Không để xảy ra sự cố bất ngờ về cháy rừng trong mùa khô 2018-2019

Đức Hùng thực hiện| 23/11/2018 08:57

Như thường lệ, bước vào mùa khô hằng năm, các cấp, ngành và chủ rừng lại tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống cháy rừng (PCCR), xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Liên quan đến PCCR mùa khô 2018-2019, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Lê Công Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT).

ADQuảng cáo

Diễn tập trước mùa khô là cách để ngành chức năng rà soát lực lượng, phương tiện và đưa ra các tình huống giả định PCCCR

PV: Trước hết, ông cho biết đôi nét về diễn biến thời tiết năm nay cũng như những ảnh hưởng của nó đến công tác PCCR trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Công Trường: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết mùa khô 2018 – 2019 có những diễn biến phức tạp. Cụ thể là các hiện tượng thời tiết bất thường, khô hạn diễn ra trên diện rộng và thời gian kéo dài tại nhiều địa phương, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên, mới bước vào đầu mùa khô nhưng cảnh báo nguy cơ cháy rừng đã ở cấp cao nhất – cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Riêng địa bàn Đắk Nông, trên cơ sở diễn biến thời tiết được dự báo và hiện trạng rừng, ngành Lâm nghiệp xác định trong mùa khô 2018-2019, toàn tỉnh có khoảng 112.922 ha rừng dễ cháy, trong đó có 97.042,25 ha rừng tự nhiên và 25.880 ha rừng trồng. Đặc biệt, vào mùa khô, cũng là mùa người dân phát dọn nương rẫy nên những khoảnh rừng gần khu dân cư, khu sản xuất sẽ là vùng có nguy cơ cháy cao.

PV: Vậy đến nay công tác PCCR đã được ngành chức năng triển khai như thế nào thưa ông?

Ông Lê Công Trường: Để chủ động trong công tác PCCR, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng nhằm kịp thời chấn chỉnh, bổ sung vào phương án về nguồn lực phòng cháy ở mức cao nhất khi có cháy rừng xảy ra.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thị xã thường xuyên đôn đốc các đơn vị chủ rừng chủ động triển khai các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời kiểm tra, rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng phương án PCCR mùa khô 2018-2019 để cơ quan chức năng sớm thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Đối với lực lượng Kiểm lâm, ngoài việc tăng cường công tác phối hợp, đơn vị cũng nghiêm túc thực hiện chế độ dự báo, trực ban để có cảnh báo nguy cơ cháy rừng kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn và các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin kịp thời về cấp dự báo cháy rừng, các biện pháp PCCR đối với từng cấp cháy rừng để chủ rừng, người dân nắm bắt, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm trực thuộc, trong đó chủ chốt là 2 Đội kiểm lâm cơ động và PCCR luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với nguy cơ xảy ra cháy rừng.  Đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã giao cho các đơn vị trực thuộc bảo quản, sử dụng và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng 7 xe chuyên dụng, 22 máy bơm nước chữa cháy, 38 máy cắt thực bì, 11 máy thổi gió, 171 vỉ dập lửa.

Đơn vị đã hướng dẫn các đơn vị chủ rừng tham mưu thành lập 17 Ban chỉ đạo PCCR với 83 người; thành lập 85 tổ, đội PCCR với 452 người tham gia. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này, vào tháng 12/2018, Chi cục Kiểm lâm sẽ chủ trì tổ chức đợt diễn tập chữa cháy rừng cấp huyện tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa.

PV: Từ thực tiễn công tác này, ông đánh giá thế nào về vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương trong việc phối hợp  PCCR?

Ông Lê Công Trường: Có thể khẳng định, PCCR là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc tăng cường công tác phối hợp hết sức quan trọng trong phòng ngừa cũng như xử lý những phát sinh khi có cháy rừng xảy ra. Trên thực tế, những năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu chính quyền địa phương các cấp thành lập các ban chỉ đạo công tác QLBVR, PCCR. Thành viên của ban chỉ đạo bao gồm các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng,... Ban chỉ đạo này có trách nhiệm cao, am hiểu địa hình, ứng cứu nhanh các tình huống. Khi xảy ra cháy rừng, việc huy động các thành viên tham gia cũng thuận lợi, nhanh chóng.

Đối với chủ rừng, ngoài việc thực hiện nghiêm túc phương án PCCR được phê duyệt, trong quá trình thực hiện phải thông báo với kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm để phối hợp giám sát; bảo đảm không gây cháy rừng... Trong công tác PCCR, trách nhiệm của người sử dụng lửa, chủ rừng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương phải được đặt lên hàng đầu.

Trên tinh thần đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng với các đơn vị liên quan đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với khẩu hiệu “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả” nhằm thực hiện mục tiêu không để xảy ra sự cố bất ngờ về cháy rừng trong mùa khô 2018-2019.

PV: Cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xảy ra sự cố bất ngờ về cháy rừng trong mùa khô 2018-2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO