Khi người dân được tham gia quản lý, bảo vệ rừng

Hưng Nguyên| 04/06/2019 09:41

Mô hình giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và phát triển đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, vừa giúp bảo vệ, phát triển rừng bền vững, vừa bảo đảm thu nhập, sinh kế cho bà con.

ADQuảng cáo

Từ năm 2006, trong tổng số 12.500 ha rừng được giao quản lý, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk R’lấp) đã tổ chức giao khoán 5.700 ha rừng cho 295 hộ dân quản lý, bảo vệ. Ban đầu, người dân nhận khoán được chi trả từ 100.000-200.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, người nhận giao khoán được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nên số tiền tăng đều đặn từng năm, từ 800.000-1 triệu đồng/ha/năm.

Chỉ tính riêng năm 2018, các hộ dân đã nhận được hơn 4,2 tỷ đồng, bình quân khoảng 15 triệu đồng/hộ. Nguồn thu nhập đáng kể đã giúp người dân gắn bó với rừng, tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao.

Các thành viên trong Tổ quản lý, bảo vệ rừng bon R'Bút đi tuần tra rừng

Đơn cử, gia đình anh Y P’Rí, ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) nhận giao khoán, bảo vệ gần 25 ha rừng từ năm 2006. Gia đình anh phối hợp với các hộ dân nhận khoán rừng khác thành lập tổ để thực hiện các hoạt động tuần tra, bảo vệ, quản lý rừng hàng ngày, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Với diện tích rừng đang nhận khoán quản lý, bảo vệ, năm 2018, gia đình anh nhận được khoảng 25 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Đây là nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình anh Y P'Rí cải thiện đời sống, gắn bó với rừng.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, mô hình giao khoán rừng cho từng hộ gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, do sống được với nghề rừng, các hộ dân ngày càng tích cực trong việc nhận  khoán, từng bước giữ và phát triển rừng bền vững.

Tương tự, từ năm 2013, cộng đồng bon R’Bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) nhận quản lý, bảo vệ 335 ha rừng tại tiểu khu 1649 nằm trên địa bàn xã. Sau khi nhận khoán, bon thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng với 15 thành viên. Các thành viên thay phiên nhau đi tuần tra rừng tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ hay mưa, gió. Qua thời gian triển khai, mô hình được đánh giá phát huy hiệu quả, diện tích rừng được bảo vệ tốt, không bị lấn chiếm và tạo nguồn thu nhập cho người giữ rừng.

Theo ông Y Đoàn, Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng bon R’Bút, hàng năm, sau khi nhận tiền chi trả DVMTR, trừ các khoản chi tiêu sinh hoạt, xăng xe, số tiền còn lại được chia đều cho các thành viên tham gia bảo vệ rừng. Mỗi năm, tổ nhận được khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí xong, mỗi người nhận được khoảng 6 triệu đồng. Mặc dù không nhiều nhưng nhờ bố trí hợp lý lực lượng nên các thành viên trong tổ vừa giữ rừng, vừa có thể tham gia sản xuất, có thêm thu nhập, ổn định đời sống. Không chỉ giữ rừng, tổ còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong bon giữ rừng. Vì vậy, bà con khi vào rừng lấy lá bép, đọt mây, măng rừng đều hỗ trợ tổ trong việc phát hiện nhanh các đối tượng phá rừng, xâm hại rừng. Vì thế, không chỉ các thành viên trong tổ mà cả cộng đồng cùng tham gia quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng.

Ông Lê Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đánh giá: Mô hình giao rừng cho cộng đồng bon R’Bút quản lý, bảo vệ đã và đang phát huy hiệu quả. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm. Rừng không chỉ được giữ mà còn được cộng đồng phát triển thêm, trồng mới được 2 ha rừng. Đặc biệt, tổ đã tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người dân được tham gia quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO