Khai thác rừng để trồng lại rừng: Chuyện ở Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Bài, ảnh: Quốc Sỹ - Công Tính| 24/12/2018 11:17

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên), xã Quảng Trực (Tuy Đức) đang quản lý gần 300 ha rừng trồng, trong đó có hơn 180 ha rừng thông và 115 ha rừng trồng keo. Để phát triển rừng bền vững đối với diện tích rừng trồng, lãnh đạo công ty đã mạnh dạn xin chủ trương của UBND tỉnh về việc thực hiện khai thác nhiều ha rừng thông được trồng cách đây hơn 30 năm (1987).

ADQuảng cáo

Diện tích rừng thông đang được Công ty Nam Tây Nguyên tổ chức khai thác

Bán gỗ khai thác để lấy kinh phí trồng rừng và tăng thu nhập

Theo kế hoạch, trong vòng 7 năm, mỗi năm Công ty Nam Tây Nguyên sẽ tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ từ khoảng 40 ha rừng. Việc khai thác rừng, khai thác đến đâu sẽ được trồng ngay rừng đến đó. Riêng trong năm 2018, công ty thực hiện khai thác 42 ha rừng thông.

Theo lãnh đạo Công ty Nam Tây Nguyên, đơn vị được giao chỉ tiêu trồng mới 310 ha rừng với trị giá khoảng 80 triệu/ha, tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng năm doanh nghiệp có thu chỉ khoảng 12 tỷ đồng, trong đó mất khoảng 8 tỷ đồng chi trả tiền lương và hoạt động thường xuyên khác. Số còn lại không đủ để thực hiện việc trồng rừng. Do đó, để có kinh phí thực hiện trồng mới rừng, công ty đã mạnh dạn xin chủ trương của UBND tỉnh được khai thác số rừng thông hiện có.

Diện tích rừng thông đang được Công ty Nam Tây Nguyên tổ chức khai thác

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên cho biết, khi đưa ra ý kiến này, ban đầu lãnh đạo tỉnh không đồng ý và có cơ chế giữ lại rừng. Lý do là trong năm 2018, chỉ tiêu độ che phủ rừng của tỉnh không đạt. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - PTNT thì việc khai thác rừng trồng do chủ rừng quyết định và nếu khai thác trắng thì phải có kế hoạch trồng ngay vụ kế tiếp. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty đã đưa ra phương án là sẽ thực hiện trồng lại rừng sau khi khai thác rừng thông. Số tiền bán gỗ thông sẽ dùng vào tái đầu tư trồng rừng. Việc làm này vừa bảo đảm kinh phí trồng rừng, vừa bảo đảm độ che phủ rừng sau này. Thêm vào đó, hoạt động vừa phát triển bền vững đối với diện tích rừng trồng vừa tổ chức thêm được các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động của đơn vị.

Băn khoăn về cách làm

Thực tế, việc khai thác rừng thông trồng trên 30 năm tuổi là cách làm rất mới nên nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp, của người dân và cả ngành Nông nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là, việc khai thác rừng để trồng lại rừng liệu có phải là cách làm hay và có đem lại hiệu quả như mong muốn.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên giải thích, rừng thông này được trồng trên 30 năm tuổi rồi. Thông đã đến tuổi thành thục, nên nhiều cây đã bị chết. Bên cạnh đó, diện tích thông này nằm ngay sát nương rẫy của người dân, nên có không ít người đã tổ chức chặt phá, lấn chiếm đất. Cho nên để đạt hiệu quả quản lý thì công ty mạnh dạn xây dựng phương án khai thác rừng thông đã thành thục này. Sau khi khai thác, số tiền thu được từ bán gỗ thông chủ yếu để dành trồng rừng trong mùa vụ tiếp theo. Một phần còn lại để dành xây dựng nông thôn mới. Cụ thể trong năm 2018, đơn vị đã xây dựng được 2 km đường bê tông tại xã Quảng Trực, trị giá 600 triệu đồng.

Thông được khai thác đã trồng hơn 30 năm, cây cao lớn

Về cây rừng trồng sau khi khai thác rừng thông, lãnh đạo Công ty Nam Tây Nguyên xác định, đơn vị kinh doanh thì phải theo lợi nhuận kinh tế là chủ đạo. Do vậy, công ty xác định năng suất, chất lượng của cây trồng phải phù hợp nhất với điều kiện đất trồng và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Cây rừng mà công ty dự kiến lựa chọn để trồng thay thế là cây cây giổi (theo Thông tư số 44/2015/TT-BNTPTNT, ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính). Cây giổi có thể trồng theo 2 hình thức, trồng hạt và ghép. Nếu trồng hạt thì khoảng 7 năm là trưởng thành, có thể thu hoạch hạt và gỗ; trồng ghép thì chỉ khoảng 3 năm thì có thu hoạch hạt. Cây giổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi thơm. Hạt giổi còn có giá trị cao trong chế biến các vị thuốc và thực phẩm. Hiện nay, giá hạt giổi tầm khoảng 2 triệu đồng/kg.

Ngoài ra, công ty còn có phương án trồng cây mắc ca, một loại cây trồng cũng nằm trong hạng mục cây rừng theo Thông tư số 44 và đã trồng thành công trên vùng đất Tuy Đức. Cây mắc ca không chỉ là cây rừng mà còn là một loại cây thực phẩm rất có giá trị trên thị trường và đang có nhu cầu sử dụng rất cao. Thời gian trồng cây mắc ca để có thể thu hoạch mất khoảng 5 năm.

Diện tích đất trống sau khi khai thác, công ty dự định trồng lại cây giổi và mắc ca

Trong năm 2018, chỉ tiêu về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng là 1/16 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch, chỉ đạt 39,15% so với 40% kế hoạch. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, chỉ tiêu về môi trường không đạt; trong đó năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 39,34% trên kế hoạch 40,5%. Do vậy, việc khai thác 42 ha rừng thông trong năm 2018 và 6 năm tiếp theo, mỗi năm khai thác khoảng 40 ha của Công ty Nam Tây Nguyên liệu có ảnh hưởng đến độ che phủ rừng? Trong khi, với thời gian trên thì việc trồng lại rừng liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn và có đạt đủ diện tích rừng như đã khai thác?

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo quy định, việc khai thác rừng trồng từ nguồn vốn đầu tư của chủ rừng được pháp luật cho phép. Việc khai thác thông này thuộc quyền của công ty và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Trong quá trình khai thác, Sở cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ. Sau khi khai thác xong, Sở sẽ phối hợp với công ty tổ chức đánh giá kết quả, việc xử lý đất và trồng lại rừng như thế nào. Sau đó, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản gửi UBND tỉnh để yêu cầu chỉ làm thí điểm hay mở rộng, hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác khai thác.

Như vậy, việc khai thác rừng thông để trồng lại cây rừng mới liệu có đem lại hiệu quả thiết thực như mong muốn của Công ty Nam Tây Nguyên và ngành Nông nghiệp? Câu trả lời có lẽ là phải chờ đợi vào tương lai!

Tại Công văn số 2240/UBND-NN, ngày 16/5/2018, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty Nam Tây Nguyên khai thác 42 ha rừng thông trồng và trồng lại rừng ngay sau khi khai thác. UBND tỉnh yêu cầu Công ty Nam Tây Nguyên phối hợp với UBND huyện Tuy Đức, xã Quảng Trực và các đơn vị liên quan xây dựng phương án chi tiết để khai thác, quản lý diện tích đất sau khai thác và tổ chức trồng lại rừng kịp thời ngay trong mùa mưa năm 2018; khai thác đến đâu phải thực hiện trồng rừng ngay đến đó. Nếu để xảy ra việc lấn chiếm đất, không trồng được rừng thì chủ tịch, giám đốc công ty phải chịu trách nhiệm. Sở Nông nghiệp - PTNT hướng dẫn Công ty Nam Tây Nguyên lập hồ sơ thiết kế khai thác, trồng lại rừng; tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ khai thác gỗ và hồ sơ trồng rừng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc khai thác và trồng lại rừng của công ty.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác rừng để trồng lại rừng: Chuyện ở Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO