Hiệu quả của việc giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý ở Tuy Ðức

Lê Dung| 15/04/2015 10:07

Sau khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư trong 2 bon đã nhận thức được sâu sắc về những lợi ích thiết thực mà rừng mang lại. Vì thế, mọi người luôn đoàn kết, đồng lòng và rất tích cực khi tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng...

ADQuảng cáo

Ông Điểu Lanh, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cho biết, từ năm 2000, UBND huyện Đắk R’lấp (cũ) đã giao hơn 3.474 ha đất rừng tại xã Quảng Tâm cho 8 nhóm hộ (gồm 80 hộ) tại bon Bu Nơr để nhận quản lý và bảo vệ. Đến năm 2005, toàn bộ diện tích rừng được giao lại cho cộng đồng 2 bon Bu Nơr A và Bu Nơr B quản lý, bảo vệ với 120 hộ dân tham gia.

Sau khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng các bon đã tổ chức làm vườn ươm cộng đồng và gieo các loại cây quế, sao, dầu… để đưa vào trồng theo rạch và lấp chỗ trống trong rừng. Ngoài ra, bà con còn thực hiện trồng tre lấy măng ở các khu sau nương rẫy, rừng nghèo ven suối. Bà con cũng đã tham gia trồng các cây ăn trái như nhãn, chôm chôm trên đất rẫy theo phương thức nông - lâm kết hợp…

Hiện nay, các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biêt, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, từ năm 2005 đến nay, cộng đồng 2 bon đã tích cực triển khai các kế hoạch quản lý rừng như xây dựng kế hoạch và quy ước 5 năm, cũng như cụ thể cho hàng năm…

Kể từ khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư tại 2 bon đã triển khai khai thác, tỉa thưa được 7 đợt với tổng khối lượng là hơn 3.237 m3 gỗ, với tổng số tiền thu được là hơn 4 tỷ đồng. Trừ các chi phí hợp lý như tiền cắt kéo, thu gom, thuế tài nguyên… thì cộng đồng còn lại được khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong số này, sau khi trích lại một khoản để chi phí cho công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, phần còn lại được chia cho tất cả các hộ dân trong cộng đồng, với bình quân mỗi hộ được hưởng lợi từ rừng được giao là từ 3,5 - 4 triệu đồng/năm.

ADQuảng cáo

Đáng chú ý nhất là vào năm 2012, toàn bộ số tiền bán gỗ sau khi trừ chi phí đã được cộng đồng sử dụng để mua giống cao su về cấp cho bà con, để trồng trên tổng diện tích là 30 ha. Năm 2014, cộng đồng cũng đã triển khai trồng thêm được 10 ha cây muồng đen và nguồn vốn này được trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Được biết, sau khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư trong 2 bon đã nhận thức được sâu sắc về những lợi ích thiết thực mà rừng mang lại. Vì thế, mọi người luôn đoàn kết, đồng lòng và rất tích cực khi tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng, mua bán, lấn chiếm đất rừng nhờ đó cũng đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Theo thống kê của UBND huyện Tuy Đức thì tổng số vụ vi phạm lâm luật trên diện tích rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ là rất ít so với diện tích rừng và đất rừng cho các doanh nghiệp thuê để triển khai dự án đầu tư nông, lâm nghiệp. Cụ thể, trong những năm qua, tổng số vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên khu vực rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng là 20 vụ, với diện tích rừng bị chặt phá là 18,63 ha. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức chỉ phát hiện và xử lý được 4 vụ, còn lại là do cộng đồng phát hiện và xử lý theo quy ước…

Cũng theo ông Điểu Lanh thì thời gian qua, những diện tích đất rừng do cộng đồng quản lý đã mang lại cho bà con rất nhiều lợi ích. Ngoài việc có cây cối để làm nhà, có củi để đun nấu, rừng còn là nơi để bà con có thể hái măng, lá bép về làm thực phẩm và bán ra thị trường, có dây mây để đan lát… Vì vậy, cộng đồng dân cư 2 bon luôn nhận thức sâu sắc được trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng như bảo vệ chính sự sống của bản thân. Trong thời gian tới, đơn vị cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong 2 bon tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng mà Nhà nước đã giao phó.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả của việc giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý ở Tuy Ðức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO