Giải pháp phát triển bền vững rừng vùng Tây Nguyên

Hà An| 24/10/2017 10:15

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, kể cả việc đóng cửa rừng nhưng Tây Nguyên vẫn là “điểm nóng" của cả nước về tình trạng mất rừng cùng nhiều hệ lụy khác phát sinh.

ADQuảng cáo

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 60 tỉnh, thành có rừng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Về tổng quát, bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Điều này chứng tỏ chúng ta đang hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, trong xu thế tích cực chung, các tỉnh Tây Nguyên lại đang “đồng loạt” giảm diện tích rừng tự nhiên.

Rừng thông dọc quốc lộ 14, đoạn qua xã Nâm N'Jang (Đắk Song) bị triệt hạ.  Ảnh: Lê Phước

“Phá”… nhiều hơn trồng

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT cho thấy từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng tự nhiên các tỉnh Tây Nguyên giảm rất mạnh, trong khi diện tích rừng trồng lại thấp hơn dẫn đến tỷ lệ độ che phủ rừng của các tỉnh giảm.

Theo kết quả tổng quan điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, Tây Nguyên có 2.558.646 ha rừng các loại, trong đó, diện tích rừng tự nhiên còn 2.234.441 ha, giảm 11.473 ha, diện tích rừng trồng 324.205 ha, tăng 8.304 ha so với năm 2015. Số liệu này cho thấy, nếu như diện tích rừng trồng các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2016 tăng 8.304 ha thì diện tích rừng tự nhiên bị mất lên tới 11.473 ha.  Đồng nghĩa với việc rừng ở Tây Nguyên “phá” nhiều hơn trồng khoảng 3.170 ha. Điều đáng nói, tình trạng “phá” nhiều hơn trồng diễn ra hầu khắp các tỉnh trong khu vực.

Cụ thể, kết quả điều tra, kiểm kê cho thấy diện tích rừng trồng ở Đắk Nông năm 2016 tăng 5.785 ha nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm tới 8.304 ha, dẫn đến diện tích rừng toàn tỉnh giảm 2.337 ha so với năm 2015.

Tương tự, tỉnh Gia Lai diện tích rừng tự nhiên giảm 1.894 ha, trong khi diện tích rừng trồng chỉ tăng được 743 ha nên diện tích rừng toàn tỉnh giảm 1.151 ha. Tiếp đến là tỉnh Kon Tum với diện tích rừng tự nhiên giảm 194 ha; Đắk Lắk giảm 180 ha rừng tự nhiên do diện tích rừng trồng thấp hơn diện tích rừng bị mất.

Chỉ duy nhất tỉnh Lâm Đồng, kiểm kê năm 2016 cho thấy mặc dù địa phương mất khoảng 478 ha rừng tự nhiên nhưng diện tích rừng trồng lại tăng 1.017ha nên toàn tỉnh đã tăng được 539 ha rừng tự nhiên so với năm 2015.

Không chỉ năm 2016, 9 tháng đầu năm 2017, Tây Nguyên lại một lần nữa “đội sổ” về diện tích rừng bị mất. Cụ thể, trong 9 tháng, 5 tỉnh Tây Nguyên phát hiện 3.877 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 444 ha, tăng 23 ha so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm tới 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước.

ADQuảng cáo

Điều này cho thấy, để phát triển rừng, ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt hơn diện tích rừng hiện có, các tỉnh Tây Nguyên còn phải đẩy mạnh hơn nữa diện tích rừng trồng hàng năm, giảm thiểu diện tích rừng bị mất do phục vụ các dự án thủy điện và phát triển kinh tế ngoài rừng.

Tổng diện tích có rừng toàn quốc năm 2016 theo công bố hiện trạng rừng năm 2016 là 14.377.682 ha, tăng 315.8216 ha so với năm 2015. Trong đó, rừng khoanh nuôi tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có là 10.242.141 ha, tăng 66.621 ha; rừng trồng 4.135.514 ha, tăng 249.203 ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015.

Giải bài toán về kinh tế rừng

Một nghịch lý đang tồn tại là Tây Nguyên, “mái nhà của Đông Dương” với lợi thế về rừng nhưng hiện nay, độ che phủ rừng đang giảm một cách nhanh chóng trong những năm gần đây, trong khi độ che phủ rừng của cả nước lại đang theo đà tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp &PTNT,  những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên có gần 38.000 ha rừng được chuyển đổi mục đích sang xây dựng thủy điện, hạ tầng giao thông; 110.000 ha chuyển sang trồng cao su, cây ăn quả, cây công nghiệp; gần 123.000 ha bị lấn chiếm, bị phá để lấy đất canh tác và sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, độ che phủ rừng trong khu vực cũng giảm mạnh từ trên 51% năm 2012 xuống còn 45,8% vào đầu năm 2015 và dưới 45% vào năm 2016. Điều đáng nói, năm 2016, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã đóng cửa rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song diện tích rừng tự nhiên vẫn giảm mạnh.

Ngoài diện tích rừng bị mất do phát triển kinh tế, nguyên nhân rừng Tây Nguyên giảm trước hết là do các tỉnh trong khu vực thời gian qua đang chịu một áp lực lớn từ tăng dân số cơ học, trong đó chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh, thành đến. Vì thế, nhu cầu đất ở, đất canh tác rất lớn dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Trong khi đó, công tác trồng rừng tập trung, rừng thay thế hàng năm lại không đạt kế hoạch do thiếu quỹ đất để triển khai, chất lượng rừng trồng hàng năm đạt thấp. Mặt khác, các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua vẫn còn những bất cập dẫn đến trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ còn chưa rõ ràng, hiệu quả quản lý về mặt nhà nước chưa cao.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ rừng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Muốn phát triển được rừng bền vững, các tỉnh có rừng phải tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn. Trong đó, ngoài việc xem xét lại kỷ cương, kỷ luật của các đơn vị, địa phương, người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng, các tỉnh có rừng phải tham mưu cho Chính phủ được những cơ chế, chính sách phát triển rừng hiệu quả. Bởi vì thời gian qua, các địa phương phản ánh do kinh phí giao khoán trồng, quản lý bảo vệ rừng hiện nay rất thấp nên chưa huy động được tổ chức, người dân vào cuộc. Trong khi, giá trị canh tác trên một diện tích đất bằng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp là khá cao nên tình trạng phá rừng, lấy đất canh tác diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, các địa phương lại chưa tham mưu được mức giá nào phù hợp, cách thức, hình thức triển khai trồng rừng, bảo vệ rừng như thế nào cho hiệu quả.

Vì thế, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải giải quyết được bài toán về kinh tế rừng, làm sao để người trồng rừng, bảo vệ rừng sống được nhờ rừng. Đây chính là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển rừng bền vững nhằm phấn đấu đến năm 2020, Tây Nguyên nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên trên 49% như mục tiêu đã đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển bền vững rừng vùng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO