Gia Nghĩa: Khi người dân được hưởng lợi từ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng

Hưng Nguyên| 26/03/2019 08:57

Với đặc thù diện tích đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã kiên trì tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhận khoán trồng và chăm sóc rừng. Kết quả, sau 2 năm thực hiện, diện tích rừng trồng được nâng lên, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường và giúp nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.

ADQuảng cáo

Người dân hưởng lợi

Dưới cái nắng oi ả của mùa khô, ông Hoàng Văn Sử, người dân tộc Mông, trú tại thôn 5, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đang phát dọn thực bì, chăm sóc cho diện tích rừng trồng… Đây là diện tích gia đình ông hợp đồng với BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa nhận khoán trồng, chăm sóc cây sao đen hơn 5,6 ha, tại tiểu khu 1712.

Tham gia nhận khoán trồng rừng, ông Sử được cán bộ kỹ thuật của BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ phát dọn thực bì, đào hố, xuống giống, bón phân, chăm sóc. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, quy trình chăm sóc, bảo vệ được hướng dẫn nên tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Sử cho biết, tôi tham gia trồng rừng từ năm 2017. Riêng năm 2018, nhờ nhận khoán trồng và chăm sóc rừng, gia đình tôi nhận được gần 150 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Sử chăm sóc diện tích rừng trồng năm 2018, tại tiểu khu 1712, xã Đắk R'măng (Đắk Glong)

Tương tự, tháng 6/2018, gia đình anh K’rai, trú tại xã Đắk Ha đã nhận khoán trồng và chăm sóc 1,7 ha cây sao đen. Để có thêm thu nhập, trong vườn sao đen được anh trồng xen cà phê. Anh K’rai cho biết: Trước đây, khi chưa hiểu được lợi ích của việc trồng rừng, tôi không muốn tham gia. Tuy nhiên, sau nhiều lần cán bộ BQR rừng phòng hộ Gia Nghĩa về tuyên truyền, vận động, tôi đã mạnh dạn nhận trồng và dự kiến sẽ tiếp tục nhận trồng thêm 0,2 ha trong mùa mưa tới.

Nhận trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, năm thứ nhất, các hộ được thanh toán chi phí hỗ trợ từ 26-27 triệu đồng/ha, các năm tiếp theo các hộ dân tiếp tục nhận tiền công chăm sóc cho đến khi thành rừng. Thực tế cho thấy, trồng rừng, ngoài làm tăng độ che phủ của rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Nhận thấy lợi ích thiết thực từ trồng rừng, hiện nhiều hộ gia đình ở xã Đắk Ha đã tự nguyện đăng ký tham gia. Năm 2019, đã có 90 hộ đăng ký với BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa để nhận khoán trồng rừng.

ADQuảng cáo

Tiếp tục tuyên truyền, vận động

BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa, được tỉnh Đắk Nông giao quản lý bảo vệ hơn 11.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, trải rộng trên địa bàn xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) và các xã Đắk Ha, Đắk R’măng (Đắk Glong). Trong đó, diện tích đất có rừng 3.213 ha, đất chưa có rừng 7.940 ha. Trên thực tế, diện tích đã bàn giao cho đơn vị quản lý bảo vệ là 3.699 ha bao gồm rừng tự nhiên 2.770 ha, rừng trồng 34 ha và đất chưa có rừng gần 900 ha.

Kết quả điều tra, rà soát của BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho thấy diện tích đất lâm nghiệp có khả năng phát triển rừng khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, diện tích này hiện người dân đang xâm canh trồng cà phê, tiêu, cây ngắn ngày, nên việc phát triển rừng được hay không phụ thuộc vào số hộ dân đang canh tác. Xem xét các phương án để phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã thành lập các đoàn đến tận bon làng, khu dân cư để tuyên truyền vận động người dân tham gia. Tuy nhiên, do tâm lý sợ mất diện tích đất canh tác nên người dân không chịu hợp tác, gây khó khăn cho việc trồng rừng.

Theo ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa thì BQL xác định việc phát triển rừng phụ thuộc vào số hộ dân đang canh tác trên diện tích đất rừng được giao về cho đơn vị quản lý. Trong giai đoạn đầu vào vận động, người dân không chịu hợp tác, còn chống đối, đuổi đoàn công tác. Công tác tuyên truyền, vận động trồng rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu được cơ chế, chính sách trồng rừng. Nhiều diện tích đất thiết kế trồng rừng đã bị người dân lấn chiếm và đang canh tác các loại cây ngắn ngày, cây lâu năm. Nhờ chủ động khắc phục khó khăn và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác trồng rừng của đơn vị đạt kết quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2017, UBND tỉnh giao cho đơn vị trồng gần 75 ha rừng thay thế nhưng chỉ trồng được 34 ha. Nhưng năm 2018, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, lợi ích của việc trồng rừng cũng như cơ chế, chính sách nhận giao khoán trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, người dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia và trồng được 150 ha, đạt 100% kế hoạch. Ngoài cung cấp đủ phân bón, cây giống có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng cho các hộ nhận khoán, BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc. Nhờ đó, diện tích rừng trồng của đơn vị phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%.

Ông Trần Văn Hòa, cán bộ kỹ thuật BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho hay: Sau 2 năm triển khai giao khoán trồng rừng bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, đến nay ý thức người dân đã được nâng lên. Người dân tham gia đã trồng và chăm sóc rừng trồng ngày càng hiệu quả. Ngoài trồng rừng, người dân được trồng xen các loại cây trồng như mít, bơ... để tạo nguồn thu nhập. Thấy được lợi ích từ các chính sách trồng rừng, nhiều người dân đã tự nguyện đăng ký tham gia trồng rừng vào mùa mưa năm 2019.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa: Khi người dân được hưởng lợi từ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO