Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 3): Quan trọng là trách nhiệm của chủ rừng

Phan Tuấn| 21/03/2017 09:55

Thực tế cho thấy, nếu như các đơn vị chủ rừng trong phạm vi quyền hạn được giao thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ và phát triển rừng thì việc bảo vệ đất rừng là điều nằm trong tầm tay, chứ không bị người dân xâm chiếm như hiện nay.

ADQuảng cáo

Cách làm ở Công ty Nam Tây Nguyên

Thực tế, không phải bất cứ diện tích đất rừng nào sau khi bị người dân hủy hoại thì tiếp tục bị tái lấn chiếm. Nếu như các chủ rừng nâng cao trách nhiệm, không buông lỏng công tác quản lý thì việc giữ đất rừng và phát triển rừng không phải là điều viễn vông mà hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Trên diện tích đất rừng từng bị phá, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng

Có mặt tại khoảnh 3, tiểu khu 1476, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên (Tuy Đức) quản lý, chúng tôi chứng kiến nhiều cây rừng có đường kính từ 15-40cm, dài hàng chục mét nằm chỏng chơ giữa mặt đất. Tuy nhiên, đây không còn là diện tích “đất trắng” như 3 năm trước do bị con người hủy hoại mà đã được phủ kín màu xanh bởi những cây hu đay có độ cao từ 2-4m khoảng 3 năm tuổi.

Anh Trần Đức Cường, một cán bộ của Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên cho rằng: “Đây là diện tích đất rừng bị người dân địa phương hủy hoại để lấy đất sản xuất từ 3 năm về trước. Sau khi diện tích đất rừng này bị phá, chúng tôi đã lập biên bản, báo cáo cơ quan chức năng. Những ngày sau đó, những cán bộ phụ trách khu vực này đã nhận khuyết điểm, đồng thời tăng cường bảo vệ, không để người dân tiếp tục hủy hoại, chiếm dụng. Nếu có người dân xuất hiện, hoặc rừng tiếp tục bị tàn phá thì người quản lý có trách nhiệm báo cáo cho công ty mời các ngành chức năng khác cùng phối hợp xử lý theo quy định. Thấy lực lượng bảo vệ rừng của công ty quyết tâm giữ rừng nên người dân cũng vì thế mà chịu rút lui. Nhờ vậy, những cây con đã nhanh chóng lớn lên và giờ đã bắt đầu khép tán tự nhiên”.

Không riêng gì khu vực này, theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, từ năm 2012-2016, tổng diện tích rừng đơn vị bị mất là 23,218 ha. Đối với những diện tích đất rừng đã mất, đơn vị đã kịp thời quản lý bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng lại rừng. Cụ thể, hiện nay đơn vị đã khắc phục hậu quả bằng việc trồng lại rừng được 2 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để thành lại rừng là 4,935 ha; đang tiến hành quản lý bảo vệ khoanh nuôi để thành rừng 9,364 ha. Số diện tích đất trống còn lại 6,918 ha, đơn vị đang có kế hoạch  trồng rừng vào mùa mưa năm 2017.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên chia sẻ: “Kinh nghiệm của đơn vị là không để người dân tái lấn chiếm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Đắk Nông. Theo đó, công ty đã phân công trách nhiệm từng vị trí, lô, khoảnh, trạng thái, diện tích đến từng phân trường, cán bộ để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Khi đơn vị phát hiện diện tích rừng bị phá thì sẽ ngay lập tức lập biên bản báo cáo cho lực lượng kiểm lâm được biết. Nếu phát hiện được đối tượng và diện tích bị phá lớn thì đơn vị sẽ báo cáo, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, đánh giá mức độ thiệt hại, khởi tố vụ án theo quy định, kiên quyết không để người dân tiếp tục tái lấn chiếm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Những diện tích đất rừng bị phá và lấn chiếm cần kiên quyết thu hồi trồng lại rừng”.

Các chủ rừng có đầy đủ pháp lý để giữ rừng

Trao đổi về vấn đề đất rừng, luật sư Lương Minh Khang, Trưởng Văn phòng Luật sư Khang Huy (Gia Nghĩa) khẳng định: “Về phần tòa án chỉ tuyên phạt các đối tượng phá rừng về tội hủy hoại rừng và có trách nhiệm đền bù khắc phục hậu quả cho chủ rừng, chứ không được tuyên án trao trả diện tích đất rừng cho ai. Bởi đây là diện tích đất đã được UBND tỉnh giao cho các chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Theo luật sư Huy, sau các bản án phá rừng, các chủ rừng có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát triển trên diện tích đất rừng này. Nếu người dân tiếp tục lấn chiếm thì đơn vị phải có biện pháp ngăn chặn, nói cho họ hiểu và lập biên bản vi phạm. Nếu người dân vẫn cố chấp, không hợp tác, trao trả lại diện tích đất rừng thì chủ rừng có thể mời các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, biện pháp mạnh nhất là tiến hành cưỡng chế những người cố tình vi phạm.

Đối với những diện tích đã được chủ rừng khoanh nuôi hoặc trồng rừng, khắc phục hậu quả, nếu bị người dân tái lấn chiếm thì có thể lập biên bản theo quy định. Nếu vi phạm ở mức nhỏ thì có thể tiến hành phạt vi phạm hành chính. Nếu diện tích đất vi phạm nhiều, gây thiệt hại trên 2 triệu đồng thì có thể khởi tố vụ việc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng quy định chặt chẽ đối với công tác này. Luật Đất đai cũng nghiêm cấm các hành vi buôn bán, sang nhượng, cho tặng các diện tích đất lâm nghiệp. Vì vậy, việc người dân sang nhượng đất rừng là vi phạm pháp luật. Người mua đất sau cũng phải có trách nhiệm giao trả lại diện tích đất rừng đã mua cho các đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Số tiền đã mua bán đất rừng vi phạm này, người mua sau có thể khởi kiện người bán về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 3): Quan trọng là trách nhiệm của chủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO