Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 2): Chưa có tiếng nói chung

Phan Tuấn| 20/03/2017 10:24

Từ những con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, diện tích đất rừng đang ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả lại không phải là điều dễ dàng khi mà giữa chủ rừng, các cơ quan chức năng vẫn đang có những quan điểm trái ngược nhau.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích đất rừng không được các chủ rừng khắc phục, trồng lại rừng mà đang bị người dân chiếm dụng, biến thành đất sản xuất

Mỗi bên mỗi lý lẽ riêng

Trước hết, trao đổi về công tác trồng rừng hoặc khoanh nuôi khắc phục hậu quả, nhiều lãnh đạo công ty lâm nghiệp cho rằng, để làm được điều này thì chế tài phải mạnh và răn đe được người dân. Bên cạnh việc bắt, truy tố về tội hủy hoại rừng thì trong mỗi bản án, ngành tòa án cần phải đưa ra quan điểm trả lại diện tích đất rừng cho các công ty lâm nghiệp.

Nếu như bản án không nêu ra điều này, rất nhiều người dân sẽ nhầm tưởng là sau khi đã chịu xử phạt hành chính hoặc phạt tù thì diện tích đó nghiễm nhiên thuộc về mình. Bởi vậy, nhiều người sau khi ra tù sẽ quay trở lại diện tích mình đã phá để sản xuất, sinh sống hoặc sang nhượng cho những người khác.

Trong khi đó, lãnh đạo ngành Tòa án lại cho rằng, việc giao đất là do UBND tỉnh thực hiện, tòa án không có thẩm quyền thực hiện việc đó. Bởi vậy, trong các bản án, tòa án không cần tuyên trả đất cho công ty lâm nghiệp (chủ rừng được giao quản lý), bởi đây là việc làm không cần thiết.

Có thể nói, sau các bản án về tội phá rừng, câu chuyện đất rừng lại tiếp tục đi theo một lối rẽ phức tạp khác. Tìm hiểu thực tế ở hai địa phương xảy ra nhiều vụ phá rừng là Đắk Glong, Đắk Song cho thấy, các chủ rừng rất ít khi đề nghị cơ quan thi hành án thi hành các bản án hủy hoại rừng để đòi lại số tiền hủy hoại lâm sản và môi trường do các đối tượng phá rừng gây nên.

Con số thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, ở hai địa phương này, các vụ án phá rừng mà chủ rừng nhờ cơ quan thi hành án vào cuộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, việc thi hành án đối với những đối tượng phá rừng cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi các đối tượng này thường không có tài sản, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn…

ADQuảng cáo

Một điều cần nói đến ở đây nữa là sau khi có bản án của tòa án, các chủ rừng có trách nhiệm thực hiện việc trồng rừng, hoặc khoanh nuôi tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất rừng vẫn bị người dân tái lấn chiếm, xây nhà kiên cố, sinh sống ổn định, trồng cây. Trong khi đó, đối với những diện tích bị tái lấn chiếm này, các chủ rừng cũng rất ít khi yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục vào cuộc, xử lý theo quy định của pháp luật.

Có chủ rừng thẳng thắn thừa nhận, việc để người dân tái lấn chiếm như vậy trước hết là do đơn vị chưa thực sự quyết liệt và làm hết trách nhiệm của mình. Còn chủ rừng khác cho rằng, những diện tích người dân tái lấn chiếm thường bị phá manh mún, số lượng ít, lại nằm rải rác ở nhiều nơi nên công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, có nhiều diện tích đất rừng bị các đối tượng mua bán, sang nhượng cho nhiều người, nên việc thu hồi không phải dễ.

 Một lãnh đạo ngành Tòa án cho biết, việc tiếp tục xét xử các đối tượng tái lấn chiếm này phải được các chủ rừng đề nghị, cơ quan điều tra vào cuộc thì mới có căn cứ tiến hành theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, rất ít khi các chủ rừng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc xử lý những người dân, đối tượng tái lấn chiếm đất rừng ở các vụ án đã từng được xét xử.

Qua thực tế cho thấy, giữa chủ rừng, các cơ quan chức năng có tiếng nói quan trọng trong việc giữ rừng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Phải chăng đây là một phần nguyên nhân khiến cho việc thu hồi đất rừng đang gặp khó khăn.

Tái lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật

Theo thống kê, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6/5/2013 của Tỉnh ủy về việc ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo, Công an tỉnh và các huyện, thị xã đã xác lập đấu tranh 12 chuyên án tại các địa bàn trọng điểm như Tuy Đức, Đắk Song, Gia Nghĩa, Đắk Glong. Kết quả, lực lượng công an đã khởi tố 80 vụ, với 285 bị can và xử lý hàng trăm đối tượng vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng.

Mặc dù không có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu đối tượng hoặc người thân đang sinh sống, làm ăn trên đất rừng từng là hiện trường của các vụ án hủy hoại rừng, nhưng thực tế cũng khá nhiều. Nguyên nhân một phần lớn là do các chủ rừng chưa nghiêm túc thực hiện việc trồng rừng, khắc phục hậu quả, quản lý bảo vệ rừng theo đúng chức năng của mình. Tuy nhiên, nếu như các đối tượng vẫn tiếp tục tái lấn chiếm, “bám trụ” trên diện tích đất rừng từng vi phạm là đương nhiên vi phạm quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khẳng định: “Quan điểm của đơn vị là xử nghiêm minh những đối tượng cầm đầu, chỉ huy, thuê mướn hủy hoại rừng. Những đối tượng vi phạm quy định về phá rừng nếu tiếp tục sinh sống, sản xuất trên những diện tích đã được xét xử thì là tiếp tục vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Đặc biệt, các đối tượng đã từng phá rừng, đã bị xét xử thì đã có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu sẽ bị xem xét tình tiết tăng nặng về hình sự”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 2): Chưa có tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO