Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 1): Đất rừng vẫn bị tái lấn chiếm

Phan Tuấn| 16/03/2017 10:17

Theo thống kê, từ năm 2012 đến tháng 6/2016, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị phá hơn 2.572 ha. Mặc dù cơ quan chức năng đã bắt và xử lý hàng trăm đối tượng, nhưng việc thu hồi và khắc phục hậu quả (trồng lại rừng) chưa được các đơn vị chủ rừng thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc. Hệ quả, rất nhiều diện tích đất rừng là hiện trường các vụ án hiện vẫn đang nằm trong tay các đối tượng phá rừng hoặc bị sang nhượng cho người khác.

ADQuảng cáo

Nhiều ngày qua, lần theo những bản án hủy hoại rừng, chúng tôi đã đi thực địa nhiều cánh rừng ở các địa bàn như Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong... Điểm chung ở nhiều nơi là cho dù bản án đã có hiệu lực, nhưng tình trạng người dân chiếm dụng đất rừng để làm nương rẫy vẫn phổ biến.

Nhiều diện tích đất rừng giờ đã biến thành những vườn cây công nghiệp của người dân

Vẫn “vô tư” sản xuất trên đất rừng

Có mặt tại các lô 4, lô 7, khoảnh 4, tiểu khu 1686 do Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa quản lý, chúng tôi chứng kiến ở đây hiện chỉ toàn cỏ dại, cây sắn, chứ không hề có sự xuất hiện của cây rừng. Điều đáng nói, đây là hiện trường của một vụ án “Hủy hoại rừng” đã được Tòa án nhân dân huyện Đắk Glong xét xử vào ngày 16/11/2016. Tại đây, chúng tôi gặp Nông Anh Hà (SN 1985) là đối tượng trực tiếp tham gia vào vụ phá rừng đã được tòa án xét xử, tuyên phạt 1 năm tù giam.  

Hà cho biết: “Hồi đó, tôi từ Bình Phước lên mua 2 ha rẫy với giá hơn 100 triệu đồng. Lúc mới trồng tiêu, chưa có thu nhập nên có một người đàn ông tên Biển (ở gần nhà) đã thuê tôi và một số người khác cùng đi “khai hoang” rừng để trồng tiêu. Trong lúc chặt cây, công an tới vây bắt thì tôi mới biết đó là đất rừng. Sau đó, tôi cùng một số người nữa đều bị khởi tố, nộp hơn 100 triệu đồng tiền phạt vì tội hủy hoại rừng và toàn bộ số tiền công làm thuê cho Nhà nước. Từ ngày ra tù trở về, vợ chồng tôi lên đây thấy nhiều người vẫn trồng đủ thứ cây nào là ngô, sắn tại khu vực này, không hiểu vì sao người ta chưa trồng lại rừng theo bản án tòa tuyên”.

Nhiều diện tích đất rừng giờ đã biến thành những vườn cây công nghiệp của người dân

Vào tháng 10/2013, Lê Văn Bình, quê ở Hà Tĩnh đến làm thuê và sinh sống tại thôn 11, xã Nâm N’jang (Đắk Song). Quá trình ở đây, Bình phát hiện một đám cây rừng có đường kính 20cm trở xuống xen lẫn lồ ô chưa bị phá nên nảy sinh ý định xâm chiếm đám đất này để làm rẫy. Ban ngày, Bình đi làm thuê, tối đến lúc rảnh rỗi thì dùng dao phát đến đám rừng trên.

Sau đó, để thuận tiện cho việc phá rừng, Bình đã dựng một chòi rẫy ở gần đó và lắp ráp một cưa xăng rồi tiến hành hủy hoại rừng với quy mô lớn hơn. Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2013 đến 2/2015, Bình đã hủy hoại diện tích khoảng 8 sào, rồi trồng cà phê và hồ tiêu.

Đầu tháng 7/2015, Công an huyện Đắk Song đã tiến hành khám nghiệm hiện trường diện tích rừng bị Bình hủy hoại. Kết quả xác định, tổng diện tích rừng bị Bình hủy hoại là 7.042m2, thiệt hại về lâm sản và môi trường tính thành tiền là trên 70 triệu đồng. Tại tòa, với tội danh “Hủy hoại rừng” được thiết lập, Bình đã bị tuyên phạt 6 tháng tù giam, đồng thời bồi thường hơn 70 triệu đồng cho Công ty TNHH-MTV Thuận Tân (Đắk Mil).

ADQuảng cáo

Thế nhưng, đến nay, Bình mới chỉ nộp được vài triệu đồng để khắc phục được một phần hậu quả mà mình đã gây ra. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, hiện nay, Bình vẫn đang tổ chức sản xuất trên vùng đất cũ mà bản thân đã từng phạm tội mà có.

Tương tư, ở một vụ án khác, từ năm 2010 đến tháng 5/2013, Đặng Ngọc Tưởng, ở tổ dân phố 4, thị xã Gia Nghĩa từng thuê người đốt dọn đất và đào hố trồng cà phê trên diện tích 0,9 ha đất rừng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Theo kết quả giám định, loại rừng mà ông Tưởng xâm hại là rừng sản xuất ở trạng thái IIIa1 và thiệt hại 100%. Giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường trên 720 triệu đồng. Ngày 24/10/2013, Tòa án nhân dân huyện Đắk Glong đã tuyên phạt Tưởng 1 năm 3 tháng tù treo.

Tìm đến diện tích đất rừng nơi ông Tưởng từng phá, chúng tôi thấy những cây cà phê khoảng 3 năm tuổi vẫn đang phát triển xanh tốt, xen kẽ cây rừng cháy nham nhở nằm trơ gốc. Kế bên vườn cà phê là những trụ gỗ vừa mới được dựng lên để chuẩn bị xuống giống hồ tiêu. Trong khu rẫy, một nhóm khoảng 4-5 người đang ủ phân để chuẩn bị bón cho cây. Gặp đoàn chúng tôi, một người đàn ông khoảng 40 tuổi chủ động hỏi chuyện, thì ra đây chính là ông Tưởng - người từng bị tòa án tuyên phạt mấy năm về trước.

Theo ông Tưởng, hiện gia đình ông đã trồng 400 cây cà phê ở diện tích rừng đã bị phá tại lâm phần của Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha. Ngoài ra, ông cũng trồng thêm khoảng 700 trụ tiêu ở phần đất liền kề và đang tính chuyện làm thêm 2 ha nữa để gọi là “giữ đất” cho con cái sau này (?).

Trên khu đất ông Đặng Ngọc Tưởng từng bị kết án phá rừng, giờ vẫn đang tồn tại những cây cà phê 3 năm tuổi và những trụ tiêu vừa mới dựng

Khắc phục còn theo kiểu nửa vời

Không riêng các vụ việc nói trên, nhiều năm qua, có rất nhiều đối tượng phá rừng bị lực lượng công an điều tra, xử lý, thậm chí là truy tố về tội hủy hoại rừng. Tiếp đó, ngành tòa án cũng đã có những bán án nghiêm minh để trừng trị những đối tượng này… Thế nhưng, nhiều diện tích đất rừng vẫn tiếp tục bị chính những đối tượng phá rừng, hoặc người thân của họ tái lấn chiếm, sang nhượng.

Qua thống kê, thời gian qua, diện tích đất rừng bị phá lên đến hàng ngàn héc ta. Tuy nhiên, các ngành chức năng, địa phương mới chỉ có thể tổ chức trồng lại rừng với một diện tích rất nhỏ (257 ha). Theo lý giải của cơ quan chức năng, để xảy ra thực trạng trên trước hết là các chủ rừng không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý. Thậm chí, có những địa phương còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên cả diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, nhưng không buộc phải trồng lại rừng.

Qua thực tế nêu trên cho thấy đang tồn tại tình trạng một số đối tượng hủy hoại rừng chỉ cần chấp hành án tù ít năm, hoặc nộp phạt hành chính ít tiền, sau đó “vô tư” trở lại mảnh đất nơi mình đã phạm tội để sinh sống và sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng dễ mất, nhưng khó xử lý, thu hồi (kỳ 1): Đất rừng vẫn bị tái lấn chiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO