Đắk Song, rừng ở tiểu khu 1130 đang bị tàn phá

Phan Tuấn| 07/01/2015 10:18

Thời gian gần đây, hàng chục hécta rừng tự nhiên ở tiểu khu 1130, thuộc địa bàn thôn 11, xã Nam Bình (Đắk Song) đang bị tàn phá hết sức nặng nề.

ADQuảng cáo

Vào "điểm nóng" phá rừng

Từ thị trấn Đức An đi bằng xe gắn máy vào “điểm nóng” phá rừng trên chỉ chưa đầy 30 phút. Trên đường đi, chúng tôi thấy một số đoạn đường đất đỏ vừa mới được gạt ủi, san bằng rất thuận tiện trong việc đi lại. Thế nhưng, khi hỏi người dân địa phương thì được biết việc gạt ủi, mở đường là do các đối tượng khai thác gỗ làm để dễ bề vận chuyển gỗ trái phép ra ngoài.

Nhiều vạt rừng bị đốn ngã ngổn ngang

Tại hiện trường, chỉ mới đứng từ ngoài đường nhìn vào đã thấy cây rừng bị chặt vô tội vạ. Trong đó, có những cây rừng có độ cao hàng chục mét, đường kính vài chục xăngtimét vừa bị đốn ngã nằm chỏng chơ, cây nọ chồng lên cây kia. Lại gần các cây bị đốn ngã thì thấy cành lá còn tươi rói, nhựa vừa ứa ra, nằm xen kẽ với những cây rừng bị đốn hạ trước đó đã bị đốt cháy lẹm, đen ngòm.

Tại đây cũng có rất nhiều phách gỗ đã được xẻ vuông vắn, có dộ dài khoảng 3m, chưa được chuyển đi. Xung quanh những khúc gỗ này cũng có khá nhiều tẩu thuốc, bao thuốc vương vãi, cho thấy khả năng có rất nhiều người cùng khai thác gỗ. Gần những điểm phá rừng này có vài chiếc xe máy dựng, nhưng lại không thấy bóng người mà chỉ nghe những tiếng cưa máy đang hoạt động ở đâu đó rất xa.

Theo một số người dân làm rẫy ở khu vực này thì hơn 1 tháng nay, tình trạng phá rừng diễn ra khá nhiều, thường vào ban đêm cho tới tờ mờ sáng. Hàng đêm, ở khu vực này có tới cả chục chiếc xe công nông vào đây chở gỗ. Cùng với tiếng máy cưa, xe máy cày gầm rú, cây gỗ lớn đổ ngã ầm ầm cả đêm. Cách đây hơn 1 tháng cũng có thấy lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên đến khu vực này kiểm tra, nhưng thời gian gần đây không thấy ai đến, nên  tình trạng phá rừng diễn ra ngày càng công khai hơn.

ADQuảng cáo

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đất nhỏ tiến sâu hơn vào rừng thì tình trạng rừng bị phá còn diễn ra nặng nề hơn. Diện tích rừng mới bị đốn ngã cũng trải rộng cả chục hécta, xung quanh đó còn có những vạt rừng bị đốt cháy và những lán trại được dựng sẵn.

Bên những cây rừng bị đốn ngã là những phách gỗ được xẻ vuông vức

Ngành chức năng nói gì?

Theo ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Bình thì khu vực rừng bị tàn phá nói trên do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Hòa quản lý, nằm giáp ranh giữa các xã Nam Bình, Nâm N’jang và Đắk Hòa (Đắk Song). Ở đây địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp và phần lớn người dân là dân di cư tự do từ các nơi đến sinh sống nên rất khó quản lý. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tình trạng phá rừng ở đây cũng diễn biến hết sức phức tạp.

Trao đổi xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song cho biết: “Theo như lời kể thì khu vực phá rừng nói trên là do Công ty lâm nghiệp Đắk Hòa quản lý. Tuy nhiên, để biết chính xác, Hạt Kiểm lâm huyện phải cử người vào trực tiếp, sử dụng máy định vị mới biết đây là tiểu khu nào. Lâu nay công tác tuần tra, kiểm sát, bảo vệ rừng được triển khai thường xuyên và liên tục, nhưng không nhận được thông tin rừng bị tàn phá nhiều đến vậy”.

Cũng theo ông Thịnh thì thông tin mà người dân phản ánh hàng đêm luôn có cả chục công nông vào chở hàng chục khối gỗ ra là không có cơ sở. Bởi khu vực phá rừng này chỉ cách trung tâm huyện khoảng 10 km, nên có liều đến mấy “lâm tặc” cũng không dám làm như vậy (?).

Còn ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Hòa cho biết: “Qua xác minh sự việc cho thấy, rừng tại tiểu khu 1130 bị tàn phá là có thật. Về phía Công ty cũng đã mật phục bắt giữ được người, xe càng đang vận chuyển khoảng 3 khối gỗ khai thác ngay tại địa bàn để giao cho Hạt kiểm lâm huyện xử lý vụ việc. Tính chung trong năm 2014 vừa qua, Công ty đã bắt được trên 50 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá trên 11 ha ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song, rừng ở tiểu khu 1130 đang bị tàn phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO