Củng cố, tổ chức lại mô hình quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Hà An| 11/06/2014 09:20

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, từ năm 2011 đến nay, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã xảy ra 36 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), trong đó có 33 vụ khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng gần 253 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm 2A đến nhóm 5 và 3 vụ săn bắt động vật rừng, bắt được 18 kg thịt bò tót...

ADQuảng cáo

Gần đây nhất, khu vực này lại để xảy ra hai vụ khai thác gỗ quý hiếm trái phép tại tiểu khu 1618 và các vụ khai thác gỗ, phá rừng trái phép khác với khối lượng lớn nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô, đơn vị có chức năng QLBVR tại khu vực này vẫn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Trước tình hình đó, ngoài việc quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cán bộ để xảy ra mất rừng, Tỉnh ủy cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 1079 để trực tiếp tham mưu, giúp Tỉnh ủy trong vấn đề chỉ đạo cũng cố công tác QLBVR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và rừng vùng phụ cận.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 3/6/2014, Ban chỉ đạo 1079 đã ban hành Kế hoạch số 43-KH/BCĐ đề ra các nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và tổ chức lại mô hình QLBVR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và rừng phụ cận do các công ty lâm nghiệp, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, từ nay cho đến hết tháng 12/2014, Ban chỉ đạo 1079 sẽ triển khai thực hiện một số nội dung liên quan để “xốc” lại công tác QLBVR ở khu vực này. Cụ thể, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và đơn vị chức năng, Ban chỉ đạo 1079 sẽ xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giao dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về QLBVR cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng sẽ tiến hành khảo sát và lập các chốt bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, rừng vùng phụ cận; Xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mất rừng, đất rừng để đề xuất hình thức xử lý nghiêm theo quy định.

Sau khi khảo sát, nắm tình hình thức tiễn, Ban chỉ đạo sẽ đề xuất phương án tổ chức lại mô hình QLBVR cho phù hợp tại các đơn vị chủ rừng được kiểm tra. Đây được xem là mấu chốt để từng bước đưa công tác QLBVR trên địa bàn đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố, tổ chức lại mô hình quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO