Chủ động cho mùa trồng rừng năm 2017

Đức Hùng| 29/06/2017 10:15

Năm 2017, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch giao cho 21 đơn vị thực hiện trồng mới hơn 2.609 ha rừng tập trung và gần 1.750 ha rừng thay thế. Do năm nay mùa mưa đến sớm cộng với sự chủ động trong triển khai kế hoạch nên đến thời điểm này, nhiều đơn vị đã và đang triển khai kế hoạch trồng rừng tương đối thuận lợi.

ADQuảng cáo

Điểm tập kết cây giống của Công ty TNHH TMDV SXKS Phú Gia Phát tại tiểu khu 1260 (xã Buôn Choáh, Krông Nô)

Năm 2017, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong) được giao kế hoạch trồng gần 400 ha rừng tập trung và thay thế. Đến thời điểm này, đơn vị đã trồng được gần 100 ha, và đang xử lý thực bì hơn 50 ha. Do các giống cây rừng đơn vị trồng năm nay chủ yếu là gáo vàng (để trồng rừng bán ngập) và thông ba lá không có ở các vườn ươm trên địa bàn tỉnh nên đơn vị đã phải đặt giống tại Lâm Đồng và Đồng Nai. Tuy nhiên, do chủ động trong công tác liên hệ nên số lượng cây giống hiện đủ cung cấp cho các diện tích rừng trồng mới theo kế hoạch đã triển khai.

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: "Năm nay, công tác trồng rừng khá thuận lợi cả về triển khai kế hoạch lẫn thời tiết. So với các năm, trong năm nay, UBND tỉnh giao kế hoạch sớm hơn nên đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động khảo sát, thiết kế hiện trường khu vực trồng rừng. Bên cạnh đó, mưa trên địa bàn năm nay đến sớm nên công tác trồng rừng triển khai sớm hơn mọi năm".

Còn đối với Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Nông thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, (xã Đắk R’măng, Đắk Glong), theo kế hoạch, năm nay sẽ triển khai trồng 750 ha rừng tại huyện Đắk Glong. Đến thời điểm này, Xí nghiệp đã ký 2 hợp đồng trồng rừng với nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn với diện tích 200 ha. Mặt khác, Xí nghiệp cũng đã thực hiện khảo sát, thiết kế hiện trường khu vực trồng rừng theo kế hoạch. Các hợp đồng đã được người dân triển khai phát dọn thực bì được 150 ha và đang tiếp tục phát dọn 50 ha để xuống cây giống. Về giống, Xí nghiệp trồng toàn bộ là rừng keo lai giâm hom được nhập từ Đồng Nai về.

Ông Huỳnh Văn Đậm, Trưởng phòng Tổng hợp Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Nông cho biết: Theo kinh nghiệm trồng rừng nhiều năm thì trước mùa mưa, đơn vị đã triển khai cho nhóm hộ, tổ chức nhận khoán chủ động phát dọn thực bì, để khi mùa mưa đến thực hiện song song hai công đoạn là vừa đào hố vừa trồng rừng, tránh tình trạng mưa lấp hố gây tốn công khi thực hiện.

ADQuảng cáo

Với đặc thù là diện tích rừng được giao cho đơn vị phần lớn bị lấn chiếm sản xuất cây ngắn ngày nên thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã nhiều lần tổ chức họp dân để thực hiện việc phối hợp trồng rừng.  Trong năm nay, đơn vị được giao kế hoạch trồng 110 ha rừng phòng hộ tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Để thực hiện thành công kế hoạch trồng rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ đã thành lập các đoàn công tác xuống tận thôn, bon tổ chức họp, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng.

Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 30 ha diện tích đất do người dân lấn chiếm đã được trả lại để chuẩn bị phát dọn thực bì, trồng rừng. Ngoài ra, khoảng hơn 100 hộ dân hiện đang xâm canh trong diện tích đất giao cho đơn vị đã được tuyên truyền vận động để người dân tham gia trồng rừng hỗn giao gồm keo, sao, dầu.

Không chỉ các đơn vị nêu trên, hiện nay thời tiết bắt đầu mưa nhiều nên các đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng đều đang khẩn trương chuẩn bị cây giống và triển khai trồng rừng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến thời điểm hiện nay, các chủ rừng, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh đã trồng được hơn 500 ha rừng, diện tích còn lại đa phần đã được chuẩn bị mặt bằng, cây giống để tiếp tục trồng trong thời điểm mùa mưa.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi cơ bản thì cũng do thời tiết mưa sớm bất thường hơn các năm nên việc phát dọn thực bì, chuẩn bị mặt bằng để trồng rừng cũng gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, tình trạng một số diện tích đất nằm trong kế hoạch trồng rừng đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh cũng đang là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch trồng rừng của các đơn vị. Chính vì vậy, ngoài việc chủ động trong xây dựng phương án, cây giống, nguồn lực trồng rừng, các đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao trả mặt bằng, hợp tác để trồng rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động cho mùa trồng rừng năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO