Chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

Đức Hùng thực hiện| 13/11/2020 09:12

Mùa khô năm nay được cảnh báo khốc liệt, nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn. Phóng viên Báo Đắk Nông có cuộc phỏng vấn ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông

PV: Thưa ông, rừng Đắk Nông có những đặc điểm gì cần lưu ý trong công tác PCCCR vào mùa khô?

Ông Lê Quang Dần: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết càng ngày càng có nhiều dấu hiệu dị thường. Có nhiều tháng, thời tiết cực đoan, hạn hán, mùa khô kéo dài và khốc liệt, dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Đặc điểm rừng của tỉnh Đắk Nông có thảm thực vật dày, rừng trồng tập trung, rừng thông, rừng lồ ô, tre nứa… đều là rừng dễ cháy.

Kết quả rà soát của ngành lâm nghiệp, toàn tỉnh Đắk Nông có 125.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, trong đó rừng tự nhiên 78.300 ha, rừng trồng 46.700 ha, nằm rải rác khắp các huyện như Đắk Glong 25.400 ha, Cư Jút 29.300 ha, Đắk Mil 21.800…

Vào mùa khô, cũng là mùa người dân phát dọn nương rẫy, nên những khoảnh rừng gần khu dân cư, gần khu sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

PV: Trước tình hình trên, ngành lâm nghiệp tỉnh đã có phương án như thế nào trong công tác PCCCR mùa khô 2020 - 2021?

Ông Lê Quang Dần: Để triển khai công tác PCCCR có hiệu quả, ngay từ  tháng 9, ngành lâm nghiệp đã có văn bản triển khai đến các địa phương, các chủ rừng; hướng dẫn, đề nghị xây dựng phương án và thực hiện nghiêm công tác PCCCR mùa khô.

Hiện nay, các đơn vị chủ rừng đã và đang xây dựng phương án PCCCR mùa khô và lấy ý kiến của cơ quan công an phòng cháy, chữa cháy, Chi cục Kiểm lâm. Trên cơ sở những phương án của các chủ rừng, địa phương, ngành lâm nghiệp sẽ có những phương án tổng thể để tập trung PCCCR trên quy mô toàn tỉnh.

Ở phạm vi cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập phòng cháy, xây dựng các biển báo, các kịch bản ứng phó khi xảy ra cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh đang mở đợt cao điểm quản lý bảo vệ rừng ngăn chặn phá rừng, đồng thời thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR ở các đơn vị, địa phương.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành một số quy định về PCCCR và phương án huy động lực lượng và quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống cháy rừng.

ADQuảng cáo

PV: Để công tác PCCCR thật sự có hiệu quả, theo ông đâu là những giải pháp quan trọng nhất?

Ông Lê Quang Dần: Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nguy cơ cháy rừng cao nhất nằm ở rừng trồng, rừng tự nhiên giáp ranh với đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp, các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương cần tập trung các biện pháp PCCCR ở những khu vực này.

Cụ thể, giải pháp đầu tiên là triển khai xử lý thực bì, các vật liệu cháy, xây dựng đường băng cản lửa, tuyên truyền tại những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để người dân, địa phương chủ động tham gia.

Về phía cơ quan chuyên môn, cần chủ động làm tốt công tác dự báo, cập nhật các thông tin dự báo cháy rừng để người dân biết thời điểm nào, cấp độ cháy như thế nào để có hoạt động tương ứng, phù hợp, tránh nguồn lửa ở những vùng có nguy cơ cháy cao.

Đối với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm cần tiến hành xác định, khoanh các vùng trọng điểm, cử cán bộ theo dõi, tính toán cấp dự báo cháy rừng hằng ngày, kịp thời thông báo trên biển báo cấp dự báo cháy rừng, trên các phương tiện thông tin đại chúng… để người dân nắm rõ.

Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ cháy rừng để có thể chủ động triển khai công tác PCCCR.

Để triển khai công tác PCCCR một cách có hiệu quả, ngành lâm nghiệp xác định, lấy phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để. Ngành lâm nghiệp cũng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Thực tế, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCR trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định và khả quan. Lực lượng PCCCR tại chỗ đã được xây dựng, củng cố ở nhiều địa phương và công tác phối hợp thực hiện đã dần đi vào nền nếp.

Công tác PCCCR luôn cần có sự tham gia của các lực lượng tại chỗ, các vụ cháy nếu xảy ra luôn cần có sự phối hợp chữa cháy tích cực, kịp thời để giúp giảm thiểu thiệt hại.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng trong mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO