Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng: Nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, hộ nhận khoán

Kim Ngân| 13/05/2015 09:26

Theo Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng tỉnh để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), thời gian qua, đơn vị đã tham mưu, chủ rừng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng cũng như hướng dẫn sử dụng tiền chi trả DVMTR… kịp thời.

ADQuảng cáo

Cụ thể, đơn vị phối hợp với Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng Việt Nam đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đăng ký, kê khai, đối chiếu công nợ, nộp tiền chi trả DVMTR theo quy định và theo các điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng ủy thác.

Nhờ đó, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào quy củ và sát với định hướng kế hoạch đề ra. Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng tỉnh đã thu được 73,3 tỷ đồng. Trong đó, thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng Việt Nam là  53,3 tỷ đồng, thu nội tỉnh đạt 20 tỷ đồng. 

Để có cơ sở giải ngân, thanh toán tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện công tác rà soát, thống kê, phân loại đối tượng cung ứng DVMTR. Đến nay, công tác rà soát, xác định chủ rừng đã hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt.

ADQuảng cáo

Trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng tỉnh đã chi tiền DVMTR cho các đơn vị trên 76,6 tỷ đồng. Trong đó, thanh quyết toán tiền DVMTR năm 2011 - 2013 trên 37,7 tỷ đồng, chi tạm ứng tiền DVMTR năm 2014 hơn 35,9 tỷ đồng, trích quỹ dự phòng chi tạm ứng cho các ban quản lý rừng có giao khoán cho các hộ gia đình hơn 2,9 tỷ đồng.

Có thể nói, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã thực sự đem lại những hiệu quả đáng khích lệ cả về môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Theo ngành Lâm nghiệp các địa phương thì trong 3 năm qua, tại các lâm phần có triển khai chính sách chi trả DVMTR, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Đồng thời, môi trường rừng từng bước được bảo vệ, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nước của rừng trên địa bàn tỉnh.

Chính sách này đã mang lại nguồn lực lớn về kinh phí, cũng như giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Người dân nhận được tiền từ doanh nghiệp sử dụng DVMTR bằng chính kết quả lao động của mình, họ đã được nâng cao nhận thức và hiểu rõ mục đích của việc bảo vệ rừng và giá trị lao động của họ đã trở thành hàng hóa. Tiền chi trả DVMTR đã trở thành một phần quan trọng trong thu nhập của mỗi hộ nghèo và đã giúp cho cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể.

Cũng theo nhận định của ngành Lâm nghiệp tỉnh thì kết quả từ việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Công tác này cũng góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng: Nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, hộ nhận khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO