Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Đức Hùng| 01/11/2018 10:34

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang khẳng định hiệu quả, tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho các chủ rừng yên tâm bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

ADQuảng cáo

Người dân yên tâm giữ rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung có hơn 21.865 ha đất lâm nghiệp trải dài trên địa bàn các xã: Nâm N’Jang (Đắk Song), Quảng Sơn (Đắk Glong), Đức Xuyên, Nâm Nung (Krông Nô), trong đó có 21.181 ha đất có rừng, 684 ha không có rừng. Với đặc thù diện tích đất lâm nghiệp trải dài trên 140 km, giáp ranh với nhiều công ty lâm nghiệp, đất canh tác của người dân, khu dân cư, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được Khu BTTN Nam Nung đặc biệt quan tâm. Ngoài cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn, đơn vị đã giao khoán cho gần 300 hộ gia đình tại bon Choih (xã Đức Xuyên), bon Păk P’rí (xã Nâm N’Đir), bon Rung (xã Nâm Nung) tham gia quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 5.965 ha.

Qua thời gian triển khai cho thấy, chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò, trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hiệu quả bảo vệ rừng được nâng lên và đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện qua từng năm.

Đơn cử, bon Choih (xã Đức Xuyên) nhận giao khoán bảo vệ hơn 2.480 ha diện tích rừng thuộc Khu BTTN Nam Nung, với 6 tổ, 91 hộ gia đình tham gia giữ rừng từ nhiều năm nay. Trong đó, có 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhận giao khoán bảo vệ diện tích khoảng 975 ha. Trên diện tích đã nhận khoán, các tổ thay phiên nhau tổ chức tuần tra, bảo vệ định kỳ và phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2018 đến nay, qua 2 đợt chi trả, người dân nhận khoán, bảo vệ rừng tại bon Choih nhận được tổng cộng hơn 400 triệu đồng tiền DVMTR.

Chi trả DVMTR cho các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng Khu BTTN Nam Nung

Ông Y Thiên, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 2, trú tại bon Choih, người tham gia quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2013 cho biết, từ nguồn tiền chi trả DVMTR đã hỗ trợ gia đình rất nhiều trong việc trang trải cuộc sống và có thêm kinh phí đầu tư chăm sóc cho hơn 1.000 cây cà phê của gia đình. Ngoài việc bảo vệ rừng, các thành viên trong tổ còn là những tình nguyện viên đi tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác không phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất; từng bước nâng cao nhận thức cho bà con trong việc bảo vệ rừng nơi mình sinh sống.

ADQuảng cáo

Tương tự, bon Rung (xã Nâm Nung) nhận giao khoán rừng với diện tích 1.382 ha với 48 hộ nhận tham gia. Trong đó, có 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận giao khoán hơn 1.000 ha rừng. Năm 2018, qua 2 đợt chi trả DVMTR, người dân trong bon Rung đã nhận được 223 triệu đồng.

Ông Y Toán tham gia giữ rừng từ năm 2009, hiện nay ông là trưởng nhóm bảo vệ rừng của bon tâm sự: Được hưởng chính sách chi trả DVMTR và được chi trả nhiều đợt trong năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giữ rừng có nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và tạo động lực cho các hộ nhận khoán tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. "Cứ 3 đến 5 ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho chủ rừng"-ông Y Toán cho biết.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Khu BTTN Nam Nung đã tiến hành chi 2 đợt tiền DVMTR cho 3 bon nhận khoán bảo vệ rừng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Khu BTTN Nam Nung kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung đánh giá: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện, diện tích rừng giao khoán được bảo vệ hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy và các hành vi vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt so với những năm chưa triển khai chính sách này. Công tác phối hợp giữa cán bộ Khu bảo tồn và các tổ giao khoán được thực hiện thường xuyên giúp cho việc quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.

Phát triển rừng bền vững

Qua thời gian chi trả DVMTR, không riêng Khu BTTN Nam Nung mà nhiều địa bàn có rừng nằm trong lưu vực hưởng lợi từ dịch vụ chi trả cũng có thêm nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, mà còn làm tăng khả năng phòng hộ, giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, chống biến đổi khí hậu… góp phần đáng kể vào việc làm tăng độ che phủ của rừng. Chính sách chi trả DVMTR từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính sách chi trả DVMTR giúp đầu tư phục hồi và duy trì các giá trị của hệ sinh thái rừng để cung cấp cho bên sử dụng. Đây là cơ chế để kết nối và bảo đảm sự công bằng giữa bên được hưởng lợi từ rừng và bên duy trì lợi ích đó. Cơ chế chi trả dịch vụ giữa những người sử dụng lợi ích của việc bảo vệ rừng với những người trực tiếp bảo vệ rừng đã được thiết lập, vận hành và phát huy hiệu quả về môi trường, xã hội và kinh tế, góp phần cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn nạn suy thoái về chất lượng rừng tự nhiên còn lại, ứng phó với những biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO