Chi hàng trăm tỷ để bảo vệ, rừng vẫn "chảy máu"

Hưng Nguyên| 23/10/2019 09:59

Từ năm 2016 đến nay, mặc dù thực hiện lệnh đóng cửa rừng của Thủ Tướng Chính phủ nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Thống kê cho thấy đã có gần 1.000 ha rừng tự nhiên bị phá kể từ khi đóng cửa rừng. Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại lâm phần các công ty lâm nghiệp quốc doanh và tư nhân. Điều đáng nói, các chủ rừng này hằng năm vẫn nhận kinh phí quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại liên tục để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Rừng tự nhiên bị đốn hạ tại tiểu khu 1644, thuộc lâm phần HTX Hợp Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phần lớn đã được giao cho các chủ rừng thuê quản lý, bảo vệ. Từ năm 2016 đến nay, khoảng hơn 250 tỷ đồng đã được Qũy bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chi cho các chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ. Rừng đã  "có chủ" nhưng thời gian qua cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân chính gây nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xuất phát từ việc không hoàn thành nhiệm vụ của chủ rừng.

Cơ quan chức năng chỉ rõ, chủ rừng còn thờ ơ, buông lỏng quản lý, bảo kê, tiếp tay cho "lâm tặc" dẫn đến rừng bị phá. Trong nhiều vụ việc, chủ rừng chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm được giao. Trong các vụ phá rừng, đơn vị chủ rừng chưa báo cáo kịp thời, khi chủ rừng báo cáo các cơ quan chức năng hầu hết không phát hiện đối tượng vi phạm, chính vì thế, rừng bị phá nhưng các đối tượng không bị xử lý dẫn đến tình trạng phá rừng liên tục tái diễn.

ADQuảng cáo

Các chủ rừng để đất rừng bị lấn chiếm trong thời gian dài mà không có động thái gì. Nhiều vụ việc dù cơ quan chức năng đã ban hành quyết định khắc phục hậu quả đối với diện tích rừng bị phá, tuy nhiên, chủ rừng không thực hiện dẫn đến tình trạng xâm canh, lấn chiếm trên diện tích rừng bị phá khi cơ quan chức năng xử lý các diện tích xâm canh này gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài chủ rừng mới phát hiện, bàn giao cho cơ quan điều tra, xử lý, tuy nhiên hồ sơ vụ việc sơ sài, thông tin, tài liệu không chụp, quay phim hiện trường, đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, không thu giữ tang vật để phục vụ điều tra.

Có nhiều vụ việc chủ rừng chỉ phát hiện, lập biên bản vụ việc không rõ đối tượng, thời gian xảy ra chuyển cơ quan công an dẫn đến vụ việc sau đó phải tạm đình chỉ do không xác định được đối tượng vi phạm... Cùng với đó, công tác quản lý đất lâm nghiệp sau khi rừng bị phá của các chủ rừng còn hạn chế dẫn đến người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm, canh tác cây lâu năm trên đất rừng và thực hiện việc mua bán, sang nhượng đất rừng.

Diễn biến tài nguyên rừng hiện nay chủ yếu căn cứ vào các biên bản vi phạm do các chủ rừng thiết lập, theo dõi, tuy nhiên diện tích rừng bị phá theo các biên bản này ít hơn nhiều so với diện tích thực tế, dẫn đến một số vị trí hiện trạng rừng được công bố không phù hợp, sai lệch thực tế.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang rất quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Nhưng nếu chủ rừng không nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ thì rừng tất sẽ không còn, độ che phủ ngày càng giảm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi hàng trăm tỷ để bảo vệ, rừng vẫn "chảy máu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO