Đầu năm đổ xô đi “dâng sao giải hạn”

Đời sống - Ngày đăng : 10:06, 01/03/2016

Theo quan niệm dân gian, hàng năm, mỗi người đều có một ngôi sao “chiếu mệnh” và để giảm bớt vận hạn do sao này gây ra thì phải làm lễ cúng “dâng sao giải hạn” mới mong được bình an. Vì vậy, ở nhiều nơi trong tỉnh, hoạt động này diễn ra khá nhộn nhịp.

GÁC MỌI CÔNG VIỆC ĐI “GIẢI HẠN”

Tại Chùa Pháp Hoa (Gia Nghĩa), ngay từ ngày mùng 1 tết, nhà chùa đã dành riêng một góc khuôn viên để các gia đình đến ghi danh sách cầu an. Sau khi đăng ký lịch, ngày giờ, mọi người lại cùng nhau về chùa để đội sớ làm lễ cầu an, giải hạn.

Rất đông người tụ tập đến các cửa điện để làm lễ “dâng sao giải hạn”

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến ở Tuy Đức cho biết: “Năm nay, tôi “phạm” phải sao Kế Đô nên cứ lo nơm nớp, ăn tết cũng không yên nên ngày mùng 1 tết, phải lặn lội ra đây để đăng ký lịch, có “giải hạn” mới yên tâm làm ăn được”.

Cũng vì lo sợ sao xấu “chiếu mệnh”, ăn không ngon ngủ không yên, nên chị Chu Thị Lam ở Đắk R’lấp cùng vài người bạn đã đi chùa làm lễ “dâng sao giải hạn”. Theo chị Lam, việc “dâng sao giải hạn” này dù có phải kéo dài đến hết tháng Giêng thì chị cũng phải làm cho yên tâm.

Chị Lam cho biết: “Chồng tôi năm nay 37 tuổi, “phạm” phải sao Thái Bạch. Nghe bảo đây là “sao xấu”, ảnh hưởng đến vận mệnh cũng như sức khỏe của chồng nên tôi gác mọi công việc để đi “giải hạn”. Có “giải hạn”, gia đình tôi mới có thể an tâm làm việc khác được”.

Không chỉ tìm đến các chùa, thiền viện, người dân còn tìm đến các đền, điện do các “ông đồng”, “bà cốt” lập nên. Vì thế mà hoạt động này diễn ra khá rầm rộ và người tham gia cũng nhiều thành phần như nông dân, công chức, viên chức, thương nhân… Do đó, danh sách đăng ký giải hạn tại các chùa, đền lên đến hàng ngàn người. Tuy mất thời gian và tốn kém về tiền bạc nhưng mọi người vẫn đổ xô đi làm lễ, thậm chí có nhiều người còn bỏ việc cơ quan để làm lễ cho được chu toàn.

TỐN KÉM TIỀN BẠC

Theo quan sát, tại các nơi đăng ký “dâng sao giải hạn”, những cuốn sách tử vi, bảng tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký…luôn được bày sẵn để phục vụ các “thượng đế”. Lễ cúng “giải hạn” gồm nhiều thủ tục và có nhiều hình thức cúng bái khác nhau như cúng cầu bình an, đội sớ, cúng chay, cúng mặn, lập đàn hoán đổi hình nhân…nên mức giá cũng khác nhau. Mỗi khóa lễ của một gia đình trung bình vào khoảng từ vài trăm đến vài triệu đồng. Người tìm đến các đền, điện… hầu hết là dân làm ăn, kinh doanh, buôn bán.

Với quan niệm “giải được hạn thì lộc càng phát” nên nhiều người sẵn sàng mua các đồ tế lễ đắt tiền dù chưa tìm hiểu cặn kẽ cách đặt lễ sao cho phù hợp. Tại các nơi tiến hành lễ cúng, vàng mã, ngựa, hình nhân thay thế được sắp thành một khối to tướng, chất đầy xung quanh. Riêng đối với những gia đình có điều kiện thì họ tự lập đàn và mời các “cô đồng, nhà sư” về tận nhà “giải hạn”. Chi phí cho các lễ “giải hạn” này có khi lên đến hàng chục triệu đồng.

Bà Phan Thị Yên ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Tôi đi xem bói, nghe thầy phán năm nay gia đình “bị hạn” lớn và khó khăn trong kinh doanh nên  đã đồng ý “giải hạn” với giá 6 triệu đồng, có cúng có quảy mới yên tâm làm ăn được”.

Còn bà Lê Thị Ngân ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) nói: “Cả năm mới có được một ngày nên tôi đành gác lại mọi việc để đi làm lễ “giải hạn”. Vẫn biết đây là một hoạt động thuộc về yếu tố tâm linh và có phần mê tín nhưng quen rồi, năm nào không cúng “giải hạn” là năm đó tôi cũng như các thành viên trong gia đình lại lo nơm nớp. Không biết “giải hạn” xong nó có bớt xui xẻo hay không nhưng cảm thấy yên tâm hơn hẳn”.

Hình nhân, vàng mã được xếp thành từng khối lớn, cúng xong mang đi đốt

CƠ HỘI ĐỂ “PHÁP SƯ” HỐT TIỀN

Theo quan niệm dân gian, hàng năm, mỗi người đều có một ngôi sao “chiếu mệnh”, tất cả có 9 ngôi và cứ 9 năm sao lại luân phiên trở lại. Trong 9 ngôi sao thì có sao tốt, sao xấu, năm nào “sao xấu chiếu mệnh” con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật...(hay còn gọi là vận hạn).

Để giảm nhẹ vận hạn, người ta thường làm lễ cúng “dâng sao giải hạn” vào những ngày đầu năm mới hoặc Rằm tháng Giêng là tốt nhất. Các sao “chiếu mệnh” gồm: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu, La Hầu và Kế Đô. Nhìn chung, tâm lý của mọi người đều mong muốn xua đuổi cái xấu, cầu mong sự an bình, may mắn nên họ thường tìm cách “giải hạn” vào đầu năm để an tâm hơn.

Nắm bắt tâm lý chung và nỗi lo lắng của mọi người vào đầu năm mới nên không ít thầy bói, tướng số lợi dụng cơ hội để bày trò và mang các từ như “sao sát chủ” ra hù dọa để cúng sao tốt, may mắn để lấy tiền. Thậm chí nhiều người sợ sao “chiếu” nên đặt hàng các thầy “giải hạn” vào các ngày 8, 15, 18 âm lịch hàng tháng với mức phí cao ngất ngưởng.

Mặc dù được tuyên truyền xóa bỏ các hoạt động mê tín, dị đoan dưới mọi hình thức, nhưng việc lễ cúng “dâng sao giải hạn” vẫn tồn tại một cách công khai. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi người dân về vấn đề tâm linh này như thế nào, phải hiểu rằng, việc “dâng sao giải hạn” chỉ là một giải pháp tâm lý, chứ không thể nào xua đuổi những điều không tốt đến với mình.     

Gia Bình