Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020: Quy mô, chất lượng giáo dục vượt trội

Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 11:13, 01/05/2016

Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, những năm qua toàn tỉnh đã tích cực thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020”.

Qua 5 năm triển khai chiến lược giai đoạn I, sự nghiệp giáo dục của tỉnh được đánh giá là có bước phát triển mạnh, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng.

Trường THPT Nguyễn Du ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại địa phương

Để thực hiện chiến lược, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030”. Cùng với đó, ngành Giáo dục cũng tích cực, chủ động tham mưu tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục. Hàng năm, Sở Giáo dục-Đào tạo tiến hành thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục, các chương trình, đề án và nhiệm vụ năm học ở các đơn vị.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng văn bản hiện hành, tham mưu điều chỉnh, bổ sung phù hợp với sự phát triển của từng địa phương. Công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục có nhiều đổi mới. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tăng cường về số lượng, chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục.

Đặc biệt, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên việc thực hiện chiến lược đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát sự nghiệp giáo dục ở từng địa phương. Các ngành, các tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy, phát triển sự nghiệp giáo dục. Công tác xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Với sự quan tâm đầu tư một cách đồng bộ nên quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học từ mầm non đến THPT được mở rộng và phát triển, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Từ đó, hệ thống trường lớp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 4.857 phòng học; trong đó phòng học kiên cố, bán kiên cố là 4.237 phòng, chiếm trên 87%. Toàn tỉnh đã xây dựng được 94 trường học đạt chuẩn quốc gia và một trường THPT chuyên.

Giờ tập thể dục buổi sáng ở Trường mầm non Hoa Hồng (Đắk R'lấp)

Chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và toàn diện ở các cấp học. Đặc biệt, nhờ áp dụng nhiều mô hình và giải pháp đặc thù nên chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh và duy trì ổn định ở tất cả các cấp học, nhất là tỷ lệ trẻ em gái, trẻ em người dân tộc thiểu số đi học ngày càng tăng.

Ở bậc mầm non, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cùng với đó, trên 7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và trên 73% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống chỉ còn dưới 6,3%. Giáo dục phổ thông cũng có những chuyển biến tích cực.

Ở bậc tiểu học đã có 31 trường thực hiện chương trình Tiếng Anh thí điểm. Số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày được mở rộng. Gần như 100% trường đã nhân rộng các chương trình, mô hình trường học mới, góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ  huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 91,5%. Giáo dục trung học từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Ở bậc trung học có mạng lưới trường lớp, giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm ổn định và được nâng dần lên. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng lên hàng năm. Cùng với đó, giáo dục thường xuyên được quan tâm đầu tư đồng bộ với 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ học vấn cũng như học nghề của các tầng lớp nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì từ việc thực hiện các mục tiêu của “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020” đã giúp ngành Giáo dục có bước phát triển về mọi mặt. Trong thời gian tới, cùng với việc tham mưu để hoàn thiện, mở rộng hơn nữa hệ thống trường, lớp, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục một cách toàn diện theo các mục tiêu đã đề ra đối với giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Hiền