Hiệu quả việc thực hiện Chương trình 134 tại Tuy Đức: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Kinh tế - Ngày đăng : 10:31, 11/09/2014

Nhiều diện tích đất sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi mới, cũng như những biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất… đã được huyện Tuy Đức tích cực hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần giúp bà con yên tâm sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Năm 2007, thông qua Chương trình 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, gia đình ông Điểu MPưm, ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So đã được hỗ trợ gần 1,2 ha đất để sản xuất.

Với diện tích đất này, gia đình ông đã tiến hành trồng hơn 600 cây cà phê và 200 trụ tiêu. Cùng với việc hỗ trợ đất sản xuất, ông còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh cây cà phê do địa phương tổ chức.

Bằng những kiến thức tiếp thu được, cùng với sự hướng dẫn trực tiếp theo hình thức “cầm tay chỉ việc” của cán bộ nông nghiệp nên quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình gặp khá nhiều thuận lợi. Sau nhiều năm canh tác, đến nay, vườn cà phê, tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch, với năng suất, chất lượng đạt cao. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông còn thu được hơn 140 triệu/năm.

Nhờ được hỗ trợ đất sản xuất, gia đình ông Điểu MPưm từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Ông Điểu MPưm vui mừng chia sẻ: “Những năm trước, cuộc sống của gia đình tôi khó khăn lắm vì nhà đông người, con cái đang tuổi ăn, tuổi học, trong khi đất sản xuất không có nhiều. Sau này, được Nhà nước, địa phương bình xét, cấp đất sản xuất nên tôi rất phấn khởi. Không những vậy, tôi còn được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng để áp dụng vào thực tế, nhằm giúp vườn cây có hiệu quả cao hơn. Hiện tại, gia đình đang có hướng mở rộng thêm diện tích cà phê và chăn nuôi bò để tăng thu nhập”. 

Tại xã Đắk Búk So, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đã được cấp đất để sản xuất, đất ở, từ đó, tạo ra công ăn việc làm, từng bước nâng cao cuộc sống.

Ông Lang Văn Khang, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết: “Địa phương rất mừng vì chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con không những từng bước giải quyết khó khăn, mà còn góp phần hạn chế tập quán du canh, du cư trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các hộ được cấp đất đều đồng tình ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước nên hiệu quả giảm nghèo rất cao. Còn về phía chính quyền xã, ngay khi có chủ trương, địa phương đã triển khai thực hiện theo phương thức lấy hộ gia đình, thôn, bon làm cơ sở để bình xét công khai, dân chủ. Trên cơ sở đó, xã đã niêm yết danh sách các hộ được thụ hưởng chính sách này tại trụ sở UBND xã, sau đó tập hợp rồi gửi lên cấp trên để được xem xét, giải quyết”.

Được biết, riêng với chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, từ năm 2009 đến nay, huyện Tuy Đức đã tiến hành cấp trên 544 ha, cho gần 420 hộ gia đình. Song song với hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, để người dân yên tâm sản xuất, địa phương đã thực hiện hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi như cà phê, bơ, sầu riêng, mắc ca, tiêu, gà thả vườn, ngan Pháp, giống vịt… Đến nay, tổng kinh phí để thực hiện hỗ trợ là hơn 10 tỷ đồng, với hàng nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc khó khăn được thụ hưởng.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức thì những năm qua, thông qua các chương trình, chính sách như 102, 132, 134, 135, chương trình khuyến nông, khuyến lâm và một số chương trình khác, địa phương không ngừng hỗ trợ bà con dân tộc về đất ở, đất sản xuất, cũng như các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Cùng với việc hỗ trợ, huyện đã lồng ghép các cuộc hội thảo, trình diễn mô hình khuyến nông, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sử dụng các giống cây trồng mới, đảm bảo chất lượng, năng suất cao.

Đáng mừng hơn, thông qua các chính sách hỗ trợ, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc không chỉ giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, mà còn thay đổi được các tập quán sản xuất lạc hậu, để thay vào đó là áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến. Cũng nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được giảm dần qua từng năm, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.

Nguyễn Lương