“Điểm tựa” cho những hộ mới thoát nghèo ở Đắk R’lấp

Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 02/12/2015

Sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (QĐ 28), trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã có gần 150 hộ thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn. Có vốn, nhiều gia đình lại có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất, tăng thêm thu nhập để thoát nghèo một cách bền vững.

Đến thăm gia đình anh Đào Văn Thanh, ở thôn 3, xã Nhân Đạo vào những ngày cuối tháng 11 này, không chỉ tinh thần phấn khởi mà sự tự tin về một tương lai vững bền hơn như được thể hiện qua những cử chỉ, lời nói của mình.

Theo lời anh Thanh thì gia đình anh đã thoát nghèo được hơn 2 năm, nhưng cuộc sống vẫn còn vất vả. Hàng năm, tất cả chi phí sinh hoạt, con cái học hành đều trông chờ vào một ít rẫy và chăn nuôi heo. Vì chưa có điều kiện nên mong muốn mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi heo vẫn chưa thể thực hiện được.

Trước thực tế đó, vào tháng 9/2015, gia đình anh được thôn bình xét vào diện vay vốn theo QĐ 28. Sau khi được giải ngân vốn với số tiền 30 triệu đồng, cùng với một ít tiền dành dụm được, anh bắt tay vào đầu tư, mở rộng khu chuồng trại và mua thêm heo giống về nuôi. Sau hơn 3 tháng, khu chuồng trại nuôi heo rộng rãi, sạch sẽ đã được hình thành, phục vụ tốt nhu cầu nuôi heo giống của gia đình.

Anh Thanh cho biết: “Có hệ thống chuồng trại khang trang, gia đình tôi có thể yên tâm mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn. Với kinh nghiệm về chăn nuôi tích lũy được trong nhiều năm, cùng với sự chăm sóc, phòng bệnh đúng cách, tôi hi vọng quá trình chăn nuôi của gia đình sẽ gặp nhiều thuận lợi, qua đó, cải thiện thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống”.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngát ở cùng thôn cũng đã tiếp cận được nguồn vốn thoát nghèo để tập trung vào chăn nuôi gà và chăm sóc cà phê. Được biết, mặc dù thoát khỏi diện hộ nghèo nhưng gia đình bà Ngát hiện có 3 người con đang ở độ tuổi ăn học, chồng lại đau ốm liên miên nên cuộc sống gia đình còn khá vất vả.

Ngoài nguồn thu từ 7 sào cà phê, hàng ngày, bà Ngát phải đi làm công để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Xét thấy điều kiện khó khăn, vừa qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3 đã bình xét và tạo điều kiện cho gia đình bà vay 30 triệu đồng theo chương trình thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội (NHCSXH) huyện. Có vốn, bà đã mua hơn 150 con gà thả vườn để nuôi, số còn lại đầu tư vào chăm sóc cà phê. Bước đầu đàn gà sinh trưởng và phát triển ổn định.

Vay được nguồn vốn ưu đãi lãi suất, gia đình bà Nguyễn Thị Ngát tập trung vào chăn nuôi gà để nâng cao hiệu quả đồng vốn

Bà Ngát tâm sự: “Nguồn vốn thoát nghèo giải ngân đúng lúc như là “chiếc cần câu” giúp gia đình tôi có thêm động lực để xây dựng cuộc sống. Hiện tại, gia đình đang tập trung chăn nuôi gà và chăm sóc cà phê đúng hướng, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay”.

Toàn xã Nhân Đạo hiện có khoảng 30 hộ gia đình nằm trong diện thoát nghèo được vay vốn theo QĐ 28, với dư nợ gần 900 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết, nguồn vốn cho vay thoát nghèo thực sự có ý nghĩa đối với địa phương. Bởi, số hộ đã thoát nghèo trong xã rất lớn nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn khá cao. Vì vậy, nguồn vốn cho vay thoát nghèo được triển khai sẽ tạo đà cho các hộ có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, từ đó, thoát nghèo theo hướng bền vững hơn.

Được biết, để triển khai hiệu quả QĐ 28, chính quyền xã đã tiến hành rà soát các hộ nằm trong diện thoát nghèo rồi gửi lên NHCSXH huyện để đối chiếu. Công tác hướng dẫn, bình xét các hộ trong trong diện được vay, trong đó, ưu tiên làm hồ sơ, thủ tục cho những gia đình đang khó khăn và thực sự cần vốn được UBND xã chú trọng. Sau khi được giải ngân, xã đã tư vấn đầu tư mô hình sản xuất tùy theo điều kiện của từng gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn.

Theo ông K’Ngai, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp, đối với chương trình cho vay thoát nghèo, sau khi có QĐ 28, đơn vị đã kịp thời tham mưu với UBND huyện ra công văn chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát tất cả các hộ nằm trong diện thoát nghèo. Trên cơ sở danh sách phê duyệt, ngân hàng đã triển khai giải ngân nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Theo đó, ngoài nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng được Trung ương phân bổ theo chương trình cho vay thoát nghèo, đơn vị còn linh động trong việc chuyển nguồn vốn gần 3 tỷ đồng từ nguồn cho vay hộ nghèo sang hộ thoát nghèo để tạo điều kiện cho các hộ vay vốn. Qua rà soát cho thấy, nhu cầu về nguồn vốn của các hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Đắk R’lấp hiện nằm ở con số khoảng 30 tỷ đồng, một con số khá lớn so với nguồn vốn phân bổ.

Để từng bước tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục được vay vốn, hiện tại NHCSXH phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát các hộ nằm trong diện mới thoát nghèo, trình UBND huyện phê duyệt, từ đó, xin thêm nguồn vốn thoát nghèo từ Trung ương. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, về phía Phòng Giao dịch sẽ linh động trong việc bố trí các nguồn vốn để ngày càng có thêm nhiều hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trở thành “điểm tựa” giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Lương