Kinh phí hỗ trợ đã đến với vùng thiên tai, hạn hán

Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 14/09/2016

Căn cứ vào kết quả Hội đồng thẩm định thiệt hại của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ trên 40,3 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do hạn hán khôi phục sản xuất.

Người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) nhận gạo hỗ trợ giáp hạt

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh thì vụ đông xuân 2015 – 2016 do ảnh hưởng của khô hạn, toàn tỉnh có hơn 18.548 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới và giảm năng suất từ 30% trở lên.

Vì thế, ngay từ cuối mùa khô, ngoài kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, người dân tại 8 huyện, thị xã trong tỉnh đã được cấp phát 600 tấn gạo hỗ trợ giáp hạt và hạn hán năm 2016. Đây là số gạo được Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cấp (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia để tỉnh Đắk Nông cứu đói cho nhân dân trong đợt giáp hạt, hạn hán năm nay.

Ông Lê Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cho biết: “Bên cạnh việc cấp phát gạo, những ngày qua, UBND xã đã triển khai chi tiền hỗ trợ hạn hán cho người dân trong xã. Việc hỗ trợ kinh phí kịp thời đã giúp người dân có thêm một khoản tiền nhất định để mua giống khôi phục lại những diện tích đất vườn bị thiệt hại do hạn hán”.

Theo UBND huyện Đắk Glong, trong đợt cấp phát gạo giáp hạt, hạn hán, địa phương đã được phân bổ trên 100 tấn gạo. Đồng thời, trong mùa khô năm 2016, toàn huyện có trên 3.300 ha cây trồng các loại bị thiệt hại nặng do hạn hán. Qua kiểm tra, Hội đồng thẩm định cây trồng bị thiệt hại đề xuất tỉnh hỗ trợ 6,9 tỷ đồng để giúp người dân phục hồi sản xuất.

Còn tại huyện Chư Jút, trong đợt hạn hán vừa rồi, toàn huyện có gần 1.338 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán. UBND tỉnh đã phê duyệt trên 2,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân và đến nay, địa phương đã triển khai đưa nguồn kinh phí hỗ trợ này đến tay người dân ở những vùng bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn.

Cũng theo ông Lê trung Kiên, tổng kinh phí thực hiện công tác chống hạn vụ đông xuân 2015 – 2016 trên địa bàn tỉnh là 64,6 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Trung ương hỗ trợ 58,1 tỷ đồng, kinh phí dự phòng tỉnh 3 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) Đắk Nông 2 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam 500 triệu đồng, gạo cứu đói hỗ trợ hạn hán Trung ương hỗ trợ 600 tấn, địa phương hỗ trợ 56 tấn.

Theo đó, địa phương có số tiền hỗ trợ hạn hán cao nhất là Krông Nô trên 14,6 tỷ đồng, tiếp đến là huyện Đắk Glong với hơn 6,9 tỷ đồng, Đắk Mil trên 5,4 tỷ đồng, Đắk R’lấp hơn 4,7 tỷ đồng, Đắk Song hơn 3,6 tỷ đồng…

Đến nay, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ đã được tỉnh giao về cho UBND các huyện triển khai cấp phát cho người dân. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào từng loại cây trồng, cụ thể, diện tích bị thiệt hại trên 70% đối với 1 ha cà phê là 4 triệu đồng, chanh dây 4 triệu đồng, lúa thuần 2 triệu đồng, lúa lai 3 triệu đồng, ngô, rau màu 3 triệu đồng, nuôi trồng thủy sản 10 triệu đồng; diện tích bị thiệt hai từ 30 – 70%, đối với 1 ha cà phê là 2 triệu đồng, lúa lai 1,5 triệu đồng, ngô, rau màu 1 triệu đồng.

Mùa khô năm 2015 – 2016 là mùa khô thứ hai liên tiếp Đắk Nông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hạn hán kéo dài, khiến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân lâm vào cảnh khó khăn, nhất là các hộ thuộc diện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng sâu, vùng xa.

Việc cấp phát gạo, hỗ trợ tiền mua giống khắc phục hậu quả hạn hán lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm mục tiêu không xảy ra tình trạng dân thiếu đói vì hạn hán, đồng thời giải quyết nhu cầu kinh phí khôi phục sản xuất, tạo điều kiện để bà con vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Văn Tâm