Cử nhân Nguyễn Văn Nam về quê lập nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 14:45, 26/09/2016

Tạm cất tấm bằng cử nhân ngành thiết bị năng lượng tàu thủy, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1989, ở thôn 3, xã Đắk D’rô (Krông Nô) quyết tâm lập nghiệp bằng chăn nuôi bò.

Gia đình có “truyền thống” chăn nuôi bò nên hồi học cấp 2, Nam đã phải “chỉ huy” gần chục con bò của gia đình sau mỗi buổi học. Tuổi thơ của Nam gắn với công việc chăn nuôi bò phụ giúp gia đình.

Năm 2014, tốt nghiệp đại học tưởng đâu sẽ giúp Nam tìm được một công việc, thu nhập ổn định không còn những tháng ngày rong ruổi chăn bò như thuở bé. Nhưng Nam lại về xin bố mẹ hỗ trợ kinh phí đầu tư chăn nuôi bò trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.

Nam kể: “Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm thêm linh tinh với đủ thứ công việc, tôi về xin bố mẹ chăn nuôi bò vì thấy chăn nuôi bò tại địa phương có nhiều tiềm năng. Tôi bị bố la và cho rằng cho học hành bao nhiêu năm giờ lại về chăn bò”.

Đàn bò của Nam

Để có thể nhận được sự đồng thuận của bố, Nam đã tự mày mò tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi đến các mô hình chăn nuôi bò ở Gia Lai, Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm làm chuồng trại, tìm hiểu cách làm. Để chuẩn bị chăn nuôi, Nam trồng 1 ha cỏ, tự mình thiết kế chuồng nuôi theo điều kiện gia đình. Nam cho biết: “Mình đi nhiều và thấy nhiều chuồng trại nhưng khi về nhà mình làm dựa vào điều kiện và hướng phát triển chăn nuôi của gia đình”. 

Thấy được quyết tâm và sự mày mò tìm hiểu chăn nuôi bò của con, cuối cùng bố Nam cũng đồng ý. Cuối năm 2015, gia đình đầu tư mua 10 con bò để Nam nuôi. Trên diện tích khoảng 300 m2, Nam xây dựng một dãy nhà để bò ăn, nghỉ ngơi, một sân chơi “tắm nắng” cho bò. Dãy nhà được trải một lớp nệm sinh học để đỡ công dọn chuồng, giảm mùi hôi phát ra. Trại bò của Nam hiện có 28 con.

Kiến thức chuyên ngành ở trường đại học đã giúp Nam tự độ chế ra các máy móc thô sơ phục vụ chăn nuôi như: Chiếc máy băm cỏ chạy bằng động cơ, một giờ băm được 2 tấn cỏ giúp giảm công chăm sóc bò.

Nam tâm sự: “Bây giờ nuôi không có đất để chăn thả nhưng tiềm năng về phế phẩm nông nghiệp lớn nên ngoài thức ăn từ cỏ trồng được, tôi đang hướng đến tận dụng nguồn thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp kết hợp ủ với men vi sinh làm thức ăn cung cấp các chất cho bò. Phải cung cấp đủ chất cho bò qua thức ăn, đó là việc phải tính toán khi nuôi nhốt với số lượng lớn”.

Trại bò của Nam lâu nay đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều người dân trên địa bàn huyện. Nhiều người đến tìm hiểu về cách làm chuồng, các giống cỏ, giống bò… Nam đã tư vấn khá chi tiết và tỉ mỉ giúp những người mới bắt đầu khởi nghiệp hoàn toàn tự tin để đầu tư chăn nuôi bò. 

Ông Nguyễn Văn Sinh, bố Nam chia sẻ: “Ai chẳng muốn cho con mình được học hành, có một công việc và thu nhập ổn định để ổn định cuộc sống. Thấy con xin chăn nuôi lúc đầu tôi cũng giận lắm, cho học hành giờ lại về chăn nuôi. Nhưng khi con được học tư tưởng cháu sẽ khác, sẽ chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật nên tôi đã hỗ trợ cháu kinh phí để thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình”.

Trên trang facebook “Hội chăn nuôi bò Việt Nam” cung cấp nhiều thông tin về cách chăm sóc, phòng chữa bệnh cho bò với hình ảnh cụ thể nên Nam thường xuyên dành thời gian để trao đổi thông tin.  

Hiện nay, trại bò của Nam đang phát triển đàn nên nguồn thu nhập chủ yếu từ việc bán phân, khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Hướng phát triển của Nam là xây dựng một trang trại bò thịt, một lò mổ để cung cấp thịt bò cho người dân trên địa bàn huyện, tỉnh.

Đức Hùng