Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đời sống của người Mông từng bước được nâng cao

Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 12/08/2014

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.400 hộ dân tộc Mông, với 25.342 nhân khẩu sống rải rác tại 18 xã trên địa bàn huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil và thị xã Gia Nghĩa. Trong đó, Tuy Đức và Đắk Glong có số lượng tập trung sinh sống nhiều nhất, chiếm trên 71% số nhân khẩu dân tộc Mông của tỉnh.

Theo đánh giá, trong những năm qua, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc Mông. Qua đó, hệ thống chính quyền cơ sở trong vùng dân tộc Mông từng bước được củng cố, hoạt động có hiệu quả.

Các chủ trương, đường lối, chính sách về dân tộc, tôn giáo được cấp uỷ, chính quyền các cấp chú trọng triển khai kịp thời. Các chính sách như cấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, đầu tư trường học, đường giao thông, hỗ trợ kinh phí cho học sinh, cấp sách giáo khoa, thẻ bảo hiểm… đã góp phần đưa đời sống của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung ngày càng phát triển.

Phiên chợ của đồng bào Mông ở cụm dân cư Đắk Nang, xã Đắk Som (Đắk Glong). Ảnh: Hồ Mai

Về phát triển kinh tế, tổng diện tích đất canh tác đồng bào đang sử dụng hiện nay là 1.380 ha, trong đó, đất ruộng có 234 ha chủ yếu trồng cà phê, cao su, tiêu, điều và các loại cây hoa mùa khác. Trình độ canh tác của người dân mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng đã từng bước có nhiều tiến bộ.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các địa phương cũng đã đầu tư các công trình thuỷ lợi có năng lực tưới tiêu lớn. Riêng tại huyện Tuy Đức, địa phương này đã đầu tư công trình đập Đắk Glun 1, 2, 3 có năng lực tưới tiêu cho 675 ha cây trồng và hiện đang đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Đắk Ngo, với số vốn hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài phát triển nông nghiệp thì các công trình phục vụ dân sinh cũng được chú trọng đầu tư. Toàn tỉnh hiện đã đầu tư xây dựng 9 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương thì tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục phát triển như hỗ trợ kinh phí học tập, Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc Mông, cấp không thu tiền một số đồ dùng học tập, hỗ trợ giáo viên vùng 3… Vì thế, số lượng học sinh, sinh viên người dân tộc Mông đang học và tốt nghiệp các cấp học, bậc học ngày càng tăng. Riêng trong năm học 2013-2014, tổng số học sinh các cấp là 6.376 em, tăng so với năm học trước 3.103 em.  

Trong lĩnh vực y tế, hoạt động khám, chữa bệnh đã được các cấp, ngành, tổ chức từ thiện đối với vùng đồng bào dân tộc Mông rất được quan tâm. Thông qua các buổi khám bệnh, phát thuốc, đội ngũ y, bác sỹ còn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, cách phòng chống các bệnh thường gặp, việc ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn và đặc biệt là loại bỏ những hũ tục lạc hậu ra khỏi đời sống của đồng bào.

Ngoài ra, các trạm y tế tuyến huyện, xã cũng đã xây dựng và đâu tư những trang thiết bị đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Các thôn, bản trong vùng đồng bào Mông đều có đội ngũ nhân viên y tế. Mọi người cũng đều được hưởng chế độ cấp thẻ bảo hiểm khám, chữa bệnh y tế theo Chương trình 139.

Hệ thống đường, điện vào các cụm dân cư người Mông tại khu vực Đắk Nang, xã Đắk Som (Đắk Glong) đã được đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều năm qua

Một nét rất nổi bật trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người Mông, đó là họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng riêng của mình, nhất là về trang phục của phụ nữ. Tại các thôn, bản vùng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều phụ nữ đều biết thêu, may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Thông qua các hoạt động, lễ hội văn hóa do các địa phương hoặc tỉnh tổ chức, người Mông đã tham gia nhiều tiết mục đặc sắc, mang dấu ấn và đặc trưng riêng đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các lễ hội tiêu biểu đã được tổ chức như lễ cầu phúc đầu năm, mừng thọ… Ngoài ra, trong vùng đồng bào Mông, bà con còn biết nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, múa khèn, thổi sáo và các trò chơi dân gian khác.

Có thể nói, những kết quả về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa đã cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp đối với đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Và trong thời gian tới, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai với quy mô lớn hơn để nâng cao hơn nữa cả về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bình Minh