Bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII

Chính trị - Ngày đăng : 22:01, 28/11/2014

Chiều 28/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII đã họp phiên bế mạc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới và trách nhiệm cao của các vị đại biểu, hôm nay, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc lớn của kỳ họp thứ 8.

Toàn cảnh phiên họp bế mạc. Ảnh: Lã Anh/SGGP

Trong khuôn khổ kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích sâu sắc về tình hình năm 2014 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 để có những quyết sách đúng đắn phát triển đất nước. Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong năm 2014: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi; việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các mặt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng…được tích cực triển khai.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Kinh tế phục hồi chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, xử lý nợ xấu chậm, nợ công tăng nhanh, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng…

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Quốc hội khóa XIII quyết định; đồng thời là năm triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 và tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội xác định và yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; đồng thời cần tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các vị đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: kết quả lấy phiếu một lần nữa phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước ta, cũng như của từng vị được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri cả nước tin tưởng, đồng tình, ủng hộ. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu tại các địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp thứ 8 đã thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào và cử tri cả nước về tinh thần đoàn kết, làm việc dân chủ, trí tuệ và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội; về sự nghiêm túc trong tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội; về sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, Quốc hội đã đưa ra và quyết định những nội dung quan trọng của đất nước cũng như những vấn đề cấp thiết được đặt ra tại hội trường này về tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội, về tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn...; đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội. “Năm 2015 và những năm tiếp theo, đất nước đứng trước những cơ hội, thách thức và vận hội mới. Quốc hội tin tưởng với sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII.

* Chiều 28/11, ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua 4 Nghị quyết quan trọng về lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) có nhiều nội dung nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Với trên 91% tán thành, Nghị quyết mới với 18 Điều sẽ có hiệu lực từ 1/7/1015. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ với 3 mức độ gồm “tín nhiệm cao”,“tín nhiệm”“tín nhiệm thấp”.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm với các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII nêu rõ nhiệm vụ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp gồm công thương, nội vụ, giao thông vận tải và lao động, thương binh và xã hội.

Với số phiếu tán thành cao, Quốc hội thông qua Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm 2015.

Đó là tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội;  bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu trong đó lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng, nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội, hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015; tiếp tục rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật liên quan; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nông nghiệp; Xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư ngoài nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thay dần một phần quan trọng cho đầu tư công.

Bên cạnh đó, hoàn thành theo tiến độ kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ; xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng các đề án tái cơ cấu đã phê duyệtvà cải cách mạnh mẽ hành chính công và tài chính công theo hướng làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp.

Nghị quyết cuối cùng được Quốc hội thông qua đề ra một lộ trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

V.D (t.h)