Hai đại biểu Đắk Nông lần đầu thảo luận ở Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 20:11, 23/07/2021

Cần làm rõ hơn mục tiêu, hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện một số nội dung quan trọng và tiến hành thảo luận về 2 Chương trình quan trọng là xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững. Đắk Nông có 3 đại biểu tham gia thảo luận về các chương trình này, trong đó có  2 đại biểu vừa trúng cử khóa XV là đại biểu Trần Nam Tiến và đại biểu Trần Thị Thu Hằng.

Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cần tập trung làm rõ sự cần thiết để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; mục tiêu, nguồn lực của chương trình. Chương trình cũng cần làm rõ hơn về hiệu quả của mục tiêu, các dự án thành phần, cơ chế, giải pháp. Đối với các địa phương có vấn đề vướng mắc như tiêu chí, nghèo đa chiều, cấp xã cần hướng dẫn người dân tự đối chiếu…

Toàn cảnh thảo luận tổ

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ngoài việc làm rõ hơn sự cần thiết, phù hợp với chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình cũng phân chia thành phần dự án, tránh trùng lắp với các chương trình trong quá trình triển khai. Nguồn vốn và khả năng huy động vốn, điều hành thực hiện và chỉ tiêu của chương trình cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn miền núi có những khởi sắc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Cụ thể, một số chương trình 30a, 135, các công trình đầu tư  xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như đường giao thông liên thôn, nội thôn cơ bản được bê tông hóa. Các công trình thủy lợi đáp ứng đủ lượng nước tưới, hỗ trợ người dân một số mô hình cây, con giống đạt hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận

Giảm nghèo bền vững đã và đang khẳng định chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Thông qua Chương trình, các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thúc đẩy hộ nghèo tham gia phát triển theo hình thức tập thể gắn với cộng đồng, phát huy nội lực để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.

Tuy nhiên, trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong chuẩn nghèo đa chiều có thêm một thành tố là việc làm, tăng chuẩn nghèo từ 700.000 đ/người/tháng lên 900.000 đ/người/tháng liệu có đảm bảo mục tiêu giảm nghèo theo dự án. Mặt khác, Chương trình cũng cần cân đối nguồn lực, tác động của các dự án và có sự đánh giá, đưa dự án khả thi nhất để đa số người nghèo được tiếp cận, thụ hưởng.

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng vẫn còn sự chồng chéo giữa các chương trình như giảm nghèo và xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cũng liên quan đến Chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng vẫn còn sự chồng chéo giữa các chương trình như giảm nghèo và xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, đại biểu cho rằng cần có ban chung để chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, giai đoạn 2015-2020,cả nước giảm bình quân từ 1-1,5%/hộ nghèo/năm. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết cũng nêu rõ giảm nghèo chưa bền vững ở từng địa phương, do thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân  tộc miền núi. Thực tế còn nguyên nhân về nguồn lực thực hiện còn dàn trải. Vì vậy giai đoạn tới, Chính phủ cần tính toán số hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từng vùng, khu vực, từng nhóm đối tượng để có chính sách cụ thể, thiết thực và tập trung hơn. Về nguồn vốn chương trình trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến ban đầu hơn 100 nghìn tỷ đồng nhưng hiện giảm xuống còn 75 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng ta cũng cần tính toán kỹ hơn đến các phương án xã hội hóa cho chương trình này.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng chưa có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, người dân. Vẫn còn bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Riêng với Đắk Nông, đóng góp từ người dân chủ yếu hiến đất, ngày công. Đối với tiêu chí về văn hóa, người dân tham gia tích cực, hiệu quả nhưng cơ sở vật chất văn hóa hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng hưởng thụ văn hóa, nhất là tầng lớp trẻ. Vì thế, đại biểu mong muốn trung ương có đánh giá, cách nhìn cụ thể để chương trình đi vào cuộc sống, nhất là ưu tiên nguồn lực cho các tỉnh nghèo, điều kiện khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Đắk Nông cũng nêu lên một số băn khoăn về việc phân định một số nội dung, mục tiêu của từng chương trình

Liên quan đến 2 chương trình này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Đắk Nông cũng nêu lên một số băn khoăn về việc phân định một số nội dung, mục tiêu của từng chương trình. Nghị quyết cần phân định được chính xác, cụ thể. Trong nghị quyết cần có điểm giao Chính phủ rà soát đối tượng, mục tiêu của từng chương trình để báo cáo Quốc hội, tránh chồng lấn về nội dung.

Đ.D