Nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính từ mô hình vị trí việc làm

Thời sự - Ngày đăng : 09:23, 24/09/2014

Nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp quản lý, sử dụng nguồn nhân lực trong bộ máy hành chính Nhà nước một cách hiệu quả, thời gian qua, tỉnh đã chọn huyện Krông Nô để triển khai thí điểm mô hình vị trí việc làm, tiến tới nhân rộng áp dụng rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị.

Qua thời gian triển khai thí điểm, kết quả bước đầu cho thấy, đây đang là mô hình khả quan, cần được nhân rộng để đánh giá công chức, viên chức trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm từng bước sắp xếp, bố trí nhân lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy được năng lực, khả năng công tác của công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị.

Để triển khai đề án, huyện Krông Nô đã thành lập tổ công tác xây dựng đề án gồm 7 thành viên do Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động ban đầu như tập huấn nhận thức, phương pháp triển khai thực hiện; làm đầu mối liên hệ với Ban quản lý Chương trình cải cách hành chính (CCHC) tỉnh và nhóm chuyên gia Chương trình GOPA (Chương trình quản trị công và CCHC); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, các cán bộ công chức thực hiện các bước xây dựng đề án, tổng hợp, phân tích hoàn thành đề án tham mưu UBND huyện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Vị trí việc làm được huyện xác định trên cơ sở phân tích, đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ công chức hiện tại theo nguyên tắc tôn trọng lịch sử hình thành đội ngũ, không gây biến động lớn. Ngoài ra, việc xác định các vị trí việc làm còn dựa trên cơ sở các công việc đã thống kê, phân nhóm, xác định khối lượng, tần suất, thời gian làm việc trong năm và căn cứ thời gian làm việc theo tiêu chuẩn quy định.

Vị trí việc làm trong một cơ quan, tổ chức bao gồm các vị trí lãnh đạo, quản lý, thừa hành, thực thi. Mỗi vị trí việc làm nhất định bao giờ cũng có bản mô tả công việc với các yêu cầu về phẩm chất, trình độ, năng lực và hiểu biết tương ứng với một ngạch công chức cụ thể. Từ đây, huyện đã chọn phương pháp ghi nhật ký công việc (công chức ghi chép các công việc, đo thời gian, xác định độ khó...) để thống kê công việc, phân nhóm và xác định vị trí việc làm, nhu cầu biên chế, ngạch bậc trong bộ máy công chức của địa phương.

Qua triển khai đề án, bước đầu cho thấy,  bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó.

Theo Sở Nội vụ, việc xác định vị trí việc làm là một bước chuyển trong công tác quản lý công chức, viên chức từ hệ thống quản lý theo chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Đây là một trong những điểm rất quan trọng, vì thông qua đó, chúng ta mới xóa bỏ hoàn toàn các cơ chế xin - cho biên chế, đồng thời phân định rõ ai là người làm việc tốt, ai làm chưa tốt.

Tuy nhiên, đây  là một vấn đề mới, đòi hỏi phải có quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là những người đứng đầu. Trên cơ sở kết quả cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai thí điểm đề án tại huyện Krông Nô, sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục chọn một số đơn vị để xây dựng, áp dụng mô hình vị trí việc làm và đẩy nhanh lộ trình áp dụng đại trà trong các đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hà An