Công viên địa chất núi lửa Krông Nô: Nhiều việc phải làm

Văn hóa - Ngày đăng : 14:11, 10/11/2017

Khai thác, xây dựng, phát triển du lịch Công viên địa chất núi lửa (CVĐCNL) Krông Nô là mục tiêu có tầm chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Nông. Để đạt được mục tiêu nói trên, chúng ta hiện đang tập trung xây dựng hồ sơ CVĐC Krông Nô đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ CVĐC Krông Nô không khó, vì chúng ta đã có chuyên gia đảm nhiệm. Điều quan trọng hơn cả là CVĐC Krông Nô có cái gì và chúng ta đã làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị tiềm năng của nó về kinh tế - xã hội, trước hết là du lịch (theo các tiêu chí của UNESCO). Do vậy, trước khi hoàn thiện hồ sơ CVĐCNL Krông Nô, chúng ta còn nhiều việc quan trọng phải làm. Trước mắt, phải khẩn trương thực hiện một số yêu cầu về công tác quản lý và xây dựng cơ sở vật chất mang tính bắt buộc đối với một công viên địa chất toàn cầu.

Hang động núi lửa Krông Nô tại vị trí cụm thác Gia Long - Đ'ray Sáp. Ảnh: Ngọc Tâm

Theo quy định, một danh thắng trước khi được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì trước đó nó phải được công nhận là danh thắng tiêu biểu của quốc gia. Do vậy, trước khi đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, chúng ta cần đề xuất Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung CVĐCNL Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia trong định hướng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Tây Nguyên.

CVĐCNL Krông Nô có diện tích khá rộng với khoảng 2.000 km2 nhưng đó mới chỉ là diện tích ước định trên giấy tờ, nên việc xác định diện tích trên thực địa tới đây có thể sẽ phải điều chỉnh. Theo đó, việc phân định địa giới CVĐCNL Krông Nô cũng rất quan trọng và cấp thiết. Việc xác định diện tích và địa giới trên thực địa làm cơ sở cho việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, nó phải hoàn thành trước khi đề nghị UNESCO công nhận CVĐC Krông Nô là công viên địa chất toàn cầu.

Khu vực CVĐCNL Krông Nô địa bàn rất rộng, địa hình phức tạp, có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. Điều đáng nói là kết cấu địa tầng của các hang động nơi đây khác với hang động đá vôi, có nguy cơ lún sập, nên cần lựa chọn hang động núi lửa tiêu biểu, địa tầng vững chắc để tập trung bảo vệ, tôn tạo nhằm phục vụ tham quan du lịch trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, ngành văn hóa cần chủ động khảo sát và khai quật các di chỉ khảo cổ học tại các hang động núi lửa trước khi nó bị hủy hoại, vĩnh viễn mất đi trong quá trình khai thác phát triển du lịch.

Trước đây, trong khu vực CVĐCNL Krông Nô đã có 5 điểm quy hoạch du lịch trong số 6 điểm quy hoạch du lịch toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc quy hoạch du lịch nói trên là quy hoạch chung, tổng thể trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, trên cơ sở các điểm quy hoạch du lịch nói trên, hiện nay cần tiếp tục điều chỉnh và bổ sung quy hoạch du lịch trong khu vực CVĐCNL Krông Nô sao cho phù hợp với đặc thù của một công viên địa chất đang hướng tới tiêu chí toàn cầu.

Theo tiêu chí của UNESCO thì khu vực công viên địa chất phải có ít nhất là 30 điểm du lịch đang hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, các điểm du lịch trong phạm vi CVĐCNL Krông Nô hiện còn ít và hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi bị xâm hại về cảnh quan và môi trường một cách đáng lo ngại. Vì vậy, việc củng cố xây dựng cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch và bảo vệ cảnh quan, môi trường để tới đây UNESCO Việt Nam kiểm tra, xác minh là một yêu cầu cấp bách.

Việc khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ trong hang động cần được nhanh chóng triển khai trước khi đưa vào khai thác, phát triển du lịch. Ảnh tư liệu

Hiện nay Ban quản lý CVĐCNL Krông Nô chưa có bộ phận thông tin tuyên truyền nên việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giá trị về CVĐCNL Krông Nô còn rất hạn chế. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần tổ chức thông tin, tuyên truyền, quảng bá về những giá trị tự nhiên, địa chất, địa mạo, lịch sử, văn hóa của công viên địa chất; các chính sách, quy định có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thu hút cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của CVĐC Krông Nô.

Ban quản lý CVĐC Krông Nô hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, năng lực quản lý và chuyên môn của cán bộ còn hạn chế, chưa đủ sức trong việc tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp… để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị CVĐCNL Krông Nô. Do đó, các sở, ngành cần phối hợp để làm tốt nhiệm vụ nói trên và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu.

Theo kế hoạch tháng 8/2018 tỉnh Đắk Nông sẽ trình nộp hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xét công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực hang động núi lửa Krông Nô. Điều quan trọng hơn cả là khi có danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu” chắc chắn CVĐCNL Krông Nô sẽ trở thành “thương hiệu” để chúng ta quảng bá và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta làm tốt những công việc cấp bách nêu trên.  

Vũ Hà