Luật An ninh mạng bảo vệ lợi ích quốc gia

Hồ Văn| 02/07/2018 14:40

Trước và sau khi luật An ninh mạng được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ năm, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí trong nước và ngoài nước đã đưa ra luận điệu xuyên tạc, phản đối, phủ nhận, “kêu gọi hoãn việc bỏ phiếu dự luật”... Dù vậy, cần khẳng định sự ra đời luật An ninh mạng là sự thích ứng kịp thời của luật pháp Việt Nam trước nhiều biến chuyển của thời đại để bảo vệ xã hội, bảo vệ công dân, bảo vệ lợi ích quốc gia.

ADQuảng cáo

Sự cần thiết có luật về an ninh mạng

Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho biết năm 2017, 63% số người dùng tại Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hằng ngày.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó 52% đã dùng mạng internet và 42% số người đã dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam theo số liệu mới đây nhất là hiện có 67% số người dùng internet và khoảng 60% số người dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam phần lớn khi nói về lĩnh vực internet gần như thị trường là của các công ty nước ngoài, mạng xã hội theo đánh giá 95% thị phần là của nước ngoài. Công cụ tìm kiếm thì tới 98% là Google. Về thư điện tử cũng 98% là Yahoo và Gmail. Tiếp đến về thương mại điện tử cũng 80% thị phần của nước ngoài. Như vậy thị trường quảng cáo trực tuyến các công ty nước ngoài, điển hình là Facebook và Youtube chiếm 80%, riêng số tiền của 2 công ty này năm 2017 là 350 triệu USD.

Về vấn đề mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh những lợi ích về kết nối con người, chia sẻ kiến thức, sự phát triển của mạng xã hội mang lại những tác hại không nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì chúng ta nhìn nhận rõ ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên đó. Còn trách nhiệm của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề.

Hiện nay ở Việt Nam khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, sử dụng Internet, tức là gần 70% người dân Việt Nam. Trong đó có một bộ phận, khoảng 1-2 triệu người mà năng lượng đen, năng lượng xấu của họ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội. Gần 5.000 clip trên youtube đã bị cơ quan chức năng gỡ bỏ do có nội dung xâm hại đến lợi ích của Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân.

Hiện nay, tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ.

Nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, các tổ chức, ngân hàng, năng lượng, hàng không...) đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc.

Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Những năm gần đây, hệ thống máy điện toán của Việt Nam đã bị xâm nhập nhiều lần. Năm 2014 chứng kiến hệ thống máy điện toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị tấn công vào dịp Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông. Vào 2016, một ngân hàng bị xâm nhập và mất cắp 1,1 triệu USD. Hai tháng sau hệ thống máy điện toán của sân bay Tân Sân Nhất, Nội Bài bị tin tặc tấn công, phá hoại. Năm 2017, hàng ngàn máy điện toán ở Việt Nam bị nhiễm WannaCry virus. Gần đây, 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, một công ty về trò chơi và Internet lớn nhất của Việt Nam cũng đã bị đánh cắp…

Việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách. Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chính trị ở nước ta. Việc xây dựng hành lang pháp lý bảo đảm an ninh trên mạng internet rõ ràng là yêu cầu khách quan, không thể nói Việt Nam làm luật và phát triển kỹ thuật “để bịt miệng dân và củng cố chế độ độc tài”, mà đó là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

An ninh mạng – vấn đề của toàn cầu

Sự phát triển mạnh mẽ của internet đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như sự phát triển của nhiều quốc gia. An ninh mạng trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, và thực tế này đang đòi hỏi mỗi quốc gia triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo đảm an ninh mạng.

Bất chấp nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn của các quốc gia, các vụ tiến công mạng vẫn liên tục xảy ra, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tại Mỹ, tháng 5/2013, Ủy ban Phòng chống trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ (CTAIP) công bố báo cáo cho biết, Mỹ thiệt hại khoảng 300 tỷ USD và 2,1 triệu việc làm mỗi năm vì nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ. Theo Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), gián điệp công nghiệp đã khiến Mỹ mất khoảng 400 tỷ USD/năm...

Tháng 5/2017, mã độc tống tiền WannaCry khiến chỉ trong vòng ba ngày, hơn 230 nghìn máy tính ở 150 quốc gia bị ảnh hưởng; nạn nhân của mã độc bị chiếm đoạt dữ liệu trong máy tính đồng thời nhận được yêu cầu thanh toán tiền chuộc. Tháng 10/2017, Yahoo bị tố cáo làm mất cắp dữ liệu của ba tỷ tài khoản vào năm 2013, tức là tin tặc có thể sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện hành vi bất hợp pháp. Tình trạng trở nên trầm trọng đến mức, tháng 8/2010, Chính phủ Anh đã xếp tội phạm trên không gian mạng vào nhóm các nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước, ngang với tiến công khủng bố, vũ khí hóa học, thảm họa hạt nhân…

Để kịp thời ứng phó, ngăn chặn loại hình tội phạm mới với diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều quốc gia đã đặc biệt quan tâm đến an ninh mạng. Rất nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách, xây dựng văn bản luật về an ninh mạng, tổ chức các lực lượng làm nhiệm vụ chuyên phòng, chống tội phạm công nghệ... Thống kê của Liên Hợp Quốc cho biết, đến nay đã có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) ban hành luật An ninh mạng. Chỉ trong vòng sáu năm trở lại đây, có 23 quốc gia trên thế giới ban hành hơn 40 văn bản luật về an ninh mạng.

Tại Nhật Bản, tháng 11/2014 luật Cơ sở về an ninh mạng đã được ban hành, Bộ Chỉ huy chiến lược an ninh mạng được thành lập.

Tại Đức, tháng 7/2015, Quốc hội thông qua luật An ninh mạng, theo đó yêu cầu các công ty cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu, phải được Văn phòng Bảo mật thông tin liên bang (BSI) chứng nhận; cấm người sử dụng internet âm mưu sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền, xúi giục hành vi phạm tội.

Ngày 16/12/2016, Quốc hội Thái Lan thông qua luật Tội phạm máy tính, quy định hành vi đăng tải thông tin sai sự thật để phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, ổn định kinh tế quốc dân, gây hoang mang dư luận,… là phạm tội, phải chịu mức án cao nhất là 5 năm tù.

Tại Mỹ, ngày 27/10/2017, Thượng nghị viện thông qua luật Chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA); đồng thời, quy định về an ninh mạng không còn phù hợp được kịp thời sửa đổi, quy định mới tiếp tục được ban hành như: Đạo luật Tăng cường an ninh mạng, Đạo luật Tăng cường bảo vệ an ninh mạng quốc gia sửa đổi, Đạo luật Thông báo vi phạm dữ liệu trao đổi liên bang.

ADQuảng cáo

Tại Austraulia, hệ thống văn bản pháp lý về an ninh mạng hiện gồm có: luật về tội phạm mạng, luật về viễn thông, luật Bảo mật, luật về thư điện tử rác, luật Tiết lộ dữ liệu.

Tại Singapore, ngày 5/2/2018, Quốc hội nước này cũng đã thông qua luật An ninh mạng về tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu (CII) thiết lập khung pháp lý để ngăn chặn nguy cơ tiến công mạng trên phạm vi quốc gia. Luật này cho phép cơ quan an ninh mạng Singapore theo dõi, quản lý an toàn không gian mạng của đất nước, đề xuất 11 lĩnh vực được xem là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng gồm: Thông tin, truyền thông, y tế, năng lượng, hàng hải, hàng không...

Liên hiệp châu Âu (EU) từ ngày 25/5/2018, luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực với những điều khoản không chỉ áp dụng cho các tổ chức hoạt động trong EU mà còn áp dụng cho các tổ chức xử lý dữ liệu của bất kỳ cư dân nào thuộc EU; đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu hằng năm…

Như vậy có thể thấy, dù tên gọi khác nhau nhưng đặc điểm chung trong các văn bản luật kể trên ở mọi quốc gia là đều hướng đến mục tiêu bảo vệ an ninh thông tin của đất nước, bảo vệ con người, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… khi các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên internet. Và, dù thế giới phẳng đến mức nào thì không gian mạng tại mỗi quốc gia vẫn thuộc chủ quyền, trách nhiệm của quốc gia đó. Điều này đặt ra trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền, quyền lợi của người dân nước mình trên internet.

Với Việt Nam, vấn đề này lại càng quan trọng, cần thiết khi trình độ và năng lực về công nghệ thông tin của chúng ta còn hạn chế (có thể thấy rất rõ từ vụ tiến công hệ thống an ninh hàng không và sự tiến công của mã độc tống tiền WannaCry) nhận thức, thói quen tùy tiện, dễ dãi khi sử dụng internet vẫn tồn tại trong số đông người. Báo cáo Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) năm 2017 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp Việt Nam thứ 100 trên tổng số 193 nước thành viên về khả năng bảo đảm an ninh mạng cũng là một thông số đáng quan tâm.

Lộ rõ dã tâm

Trong khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra với chương trình nghị sự tập trung xây dựng luật, bàn nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước thì các đối tượng phản động trong, ngoài nước lợi dụng diễn đàn này, trong đó xoáy sâu vào các dự thảo luật An ninh mạng, dự án luật đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệc, thông qua mạng xã hội để kích động, mua chuộc, bóp méo sự thật... nhằm lôi kéo một bộ phận người dân tham gia biểu tình, gây rối với dã tâm xấu xa lộ rõ.

Riêng về luật An ninh mạng, các đối tượng cho rằng là vi phạm nhân quyền. Hiểu như vậy là sai lệch. Như dẫn chứng phần trước, rất nhiều quốc gia đã có hành lang pháp lý về an ninh mạng và thậm chí còn gắt gao hơn nhiều để bảo đảm an ninh quốc gia và quyền con người.

Không áp đặt, phù hợp với xu thế chung

Những năm qua, để bảo đảm đất nước có những bước đi vững chắc tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được củng cố, Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, đất nước đã bổ sung, hoàn chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều bộ luật cũng như ngày càng hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc ứng xử chung có tính chất bắt buộc phù hợp với yêu cầu tổ chức, quản lý, điều hành tiến trình phát triển xã hội, con người trong thời kỳ mới. Các bộ luật đó thể hiện ý chí của dân tộc. Ðó là biểu thị của nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, của tinh thần tự quyết và tự chủ.

Chính bởi vậy, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội khi xem xét vấn đề an ninh mạng internet trong luật đã rất cẩn trọng. Cùng việc hội thảo, lấy ý kiến, nghiên cứu, tham khảo luật pháp quốc tế, cơ quan lập pháp phải tổng kết thực tiễn từ chính hiện tình đất nước, xã hội để “căn luật” sao cho khoa học. Và nhiều ý kiến góp ý đã được chỉnh sửa, tiếp thu. Chẳng hạn, việc bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, đây là vấn đề có nhiều ý kiến. UBTV Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan.

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, UBTV Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng: Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, không quy định nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Đây là vấn đề lớn từng vấp phản ứng mạnh, nay Quốc hội bỏ quy định này sau khi cân nhắc kỹ lưỡng cho thấy sự thận trọng, khách quan, vì xu thế chung chứ không phải áp đặt, “thích thì làm” như một số luận điểm.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì giữ lại nội dung này và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước để chỉnh lý thành khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật đã chỉnh lý.

Định kiến, bóp mép sự thật

Cùng việc tảng lờ mục đích của luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, tạo cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn hệ thống thông tin an ninh quốc gia, hoạt động điều hành của chính phủ và các cơ quan giữ vai trò tổ chức chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội…, các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí còn tập trung khoét sâu, xuyên tạc, phủ nhận quy định lưu trữ dữ liệu về người sử dụng dịch vụ, dữ liệu mà người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam đã tạo ra, cũng như quy định về cung cấp thông tin người dùng để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện nay, một số vấn đề nhiều người còn cố tình hiểu sai, cho rằng an ninh mạng là cấm đoán, là “cự tuyệt” bên ngoài. Có ý kiến nói, Nhà nước cấm Facebook, Google... vào Việt Nam để “xài mạng riêng”. Đây là quan niệm sai, chúng ta chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.

Vì thế, việc Khoản 2, Ðiều 26, luật An ninh mạng của Việt Nam xác định một trong các trách nhiệm của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng ở Việt Nam: "Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng" là điều hết sức bình thường và không chỉ đặt ra ở Việt Nam. Quy định này là nhằm mục đích bảo đảm sự chính xác, bảo mật thông tin của người sử dụng. Ðồng thời, xác định rõ chỉ khi cần phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được gửi văn bản tới nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin người dùng.

Cũng có người nói, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước. Điều này cũng sai trái bởi đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp...) đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Mới đây nhất có thêm Ấn Độ cũng yêu cầu điều tương tự.

Trên mạng, nhiều người vội “quan ngại” cho rằng Facebook, Google sẽ rút khỏi Việt Nam, trong khi người trong cuộc không nghĩ vậy. Sau khi luật An ninh mạng được Quốc hội chính thức thông qua, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết hoạt động của Facebook không hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Hơn thế nữa, họ cho rằng, luật sẽ mở ra nhiều cánh cửa giúp Facebook hoạt động tốt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn với Chính phủ Việt Nam trong tương lai.

(Bài viết có tham khảo tài liệu từ Thông tin báo chí – Văn phòng Chính phủ, Báo Nhân dân, Công an nhân dân).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật An ninh mạng bảo vệ lợi ích quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO