Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may – Luận điệu lạc lõng

Vũ Hà| 09/08/2018 08:15

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những luận điệu trắng trợn phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Tám như là một sự “ăn may” (?).

ADQuảng cáo

Những người phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám lập luận rằng: Từ sau cuộc đảo chính của Nhật (09/3/1945), Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Bởi lẽ, khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên – theo họ, bấy giờ cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi. Từ cách nhìn ấu trĩ và giản đơn như vậy, họ cho rằng “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may”. Quan điểm này thực chất là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng, từ đó phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Vậy đâu là sự thật?

Điều quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là do nhân tố chủ quan. Ngay từ năm 1939, Đảng ta đã trực tiếp chuẩn bị cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng để tiến khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Cùng với chủ trương tổng khởi nghĩa, Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc ở Bắc Sơn, Cao Bằng.. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa hoàn chỉnh; trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”, nhằm “tạo thế” quan trọng để Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi sau này.

Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng, vì thế Đảng ta đã rất quan tâm đến xây dựng lực lượng vững mạnh. Đó là từ xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng bán vũ trang quần chúng, từ đó phát triển thành lực lượng vũ trang cách mạng vào các Hội Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5/1941). Qua đó, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo quần chúng đứng về phía Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít. Đặc biệt, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời làm lượng vũ trang nòng cốt với nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân nổi dậy và gây dưng cơ sở chính trị cho khởi nghĩa sắp đến.

Cùng với việc tạo thời cơ, Đảng ta đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nắm và giành thời cơ. Nếu điều kiện chín muồi đã đến mà không nắm lấy thời cơ, chờ đợi địch đầu hàng, trao quyền độc lập thì đó chỉ là sự ảo tưởng và cơ hội ngàn vàng đó sẽ không bao giờ đến. Nên nhớ rằng, sau cuộc đảo chính (09/3/1945), ở Việt Nam, Nhật vẫn còn khoảng 100.000 quân, với đầy đủ vũ khí, trang bị… Trong thời điểm nhạy cảm đó, quân Nhật vẫn có thể nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa với lý do tự vệ, để giữ gìn trật tự tại nơi đóng quân và chờ quân Đồng minh tới giải giáp…

ADQuảng cáo

Khi ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, bọn tay sai của chúng cũng đã hoang mang đến cực độ. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát tình hình và khẳng định: “đây là một thời cơ quý và hiếm nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, và Người ra lời hiệu triệu: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Như vậy, chính Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ, dự báo được thời cơ, đánh giá chính xác thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ để nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 13/8/1945, khi Nhật sắp đầu hàng đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Vào 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra “Quân lệnh số 1”, phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16-17/8/1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ ngày 18 đến ngày 28/8/1945, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Về sự kiện Nhật chỉ đầu hàng ta phải nhận thức rõ là Nhật đầu hàng Đồng minh chứ không đầu hàng nhân dân Việt Nam. Do vậy, bằng khả năng cách mạng của cả dân tộc, chúng ta phải đập tan bộ máy chính quyền của đế quốc tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói, phải giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương và đứng ở vị thế người làm chủ nước nhà để đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân đội Nhật. Nếu như không có một cuộc cách mạng thành công, không thành lập được chính quyền nhân dân thì đất nước ta bấy giờ sẽ tiếp tục rơi vào tay một thế lực thực dân và một chính quyền thuộc địa khác.

Lịch sử cho thấy, cùng vào thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách chiếm đóng của Phát-xít đều có thể bùng nổ cách mạng và giành thắng lợi. Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc với tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" thì mới có khả năng giành được chính quyền. Vì vậy, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ định được. Và mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may – Luận điệu lạc lõng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO