Về việc giải tỏa hơn 29 ha đất rừng bị lấn chiếm dọc quốc lộ 14: Huyện Đắk Song đề nghị phương án không thu hồi phần lớn diện tích

Lê Phước| 07/08/2017 10:52

Sau khi kiểm tra, rà soát lại diện tích 29,14 ha đất bị người dân lấn chiếm dọc quốc lộ 14 (QL14), UBND huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thu hồi một phần nhỏ diện tích, số còn lại đưa vào quy hoạch khu vực dân cư, đất sản xuất...

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân lấn chiếm đất ở thôn 10, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (gần Trạm thu phí của Công ty BOT Đức Long Đắk Nông)

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc xử lý dứt điểm vụ việc 29,14 ha đất bị người dân lấn chiếm dọc QL14, vào tháng 3/2017, UBND huyện Đắk Song đã thành lập Tổ kiểm tra, rà soát do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện chủ trì. Theo kết quả kiểm tra, rà soát mới nhất thì diện tích đất bị lấn chiếm nằm rải rác, trải dài trên 30 km dọc QL14 từ giáp thị xã Gia Nghĩa, qua các xã Trường Xuân, Nâm N’Jang đến giáp thị trấn Đức An của huyện Đắk Song. Trong số này, Tổ xác định có 56 nhà, lều quán và 2 bồn nước được xây dựng trên tổng diện tích gần 0,35 ha; 12,78 ha đất đang trồng cà phê, tiêu... của 19 hộ dân; còn lại là hành lang giao thông và đất rừng.

Theo ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng TN&MT huyện Đắk Song, trong số 56 hộ dân đã xây dựng nhà và lều quán thì có 3 hộ dân ở xã Trường Xuân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất, còn lại đã sinh sống, sản xuất từ nhiều năm trước. Nếu thực hiện việc giải tỏa toàn bộ 53 hộ còn lại thì sẽ cần khoảng 28,5 tỷ đồng để đền bù hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư (chưa kể kinh phí đền bù đất tái định cư) và kinh phí tổ chức cưỡng chế. Không chỉ tốn kém kinh phí, phương án này còn không phù hợp với luật Đất đai năm 2013 và một số nội dung trong các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước đó. Trong điều kiện huyện Đắk Song chưa có khu tái định cư, việc tiến hành giải tỏa cùng một lúc hàng chục hộ dân có nguy cơ xuất hiện tình trạng chống đối, khiếu kiện đông người, tạo điểm nóng tại địa phương.

Trước tình hình đó, UBND huyện Đắk Song đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh chỉ thu hồi 0,44 ha đất của 8 hộ dân lấn chiếm ở thôn Boong Ring, xã Nâm N’Jang vì thuộc hành lang Công trình đường điện 500KV Mỹ Phước - Cầu Bông. Dự kiến, tổng kinh phí để giải tỏa, di dời các hộ này là 7,81 tỷ đồng (trong đó 810 triệu đồng hỗ trợ tài sản vật kiến trúc trên đất và 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư và quỹ đất để bố trí dân cư ở địa phương). Gần 29 ha còn lại, UBND huyện Đắk Song đề nghị được bố trí quy hoạch đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Nếu được chấp thuận, UBND huyện Đắk Song sẽ quy hoạch hơn 7,7 ha đất khu dân cư, hơn 11 ha đất nông nghiệp, còn lại quy hoạch đất rừng thông và hành lang an toàn giao thông QL14.

Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, diện tích 29,14 ha không sử dụng được cho mục đích phát triển lâm nghiệp vì manh mún, nhỏ lẻ nên các cơ quan chức năng đã bóc tách, đưa ra khỏi rừng phòng hộ QL14, giao về cho địa phương quản lý. Trong điều kiện nhiều thôn của xã Nâm N’Jang như thôn 9, thôn 10, thôn 11 và thôn Boong Ring hiện chưa quy hoạch đất ở cho các hộ dân đang sinh sống, việc quy hoạch được các khu dân cư vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

ADQuảng cáo
Tại Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai 2013) quy định rõ việc xử lý, cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật Đất đai trước 1/7/2014. Trong đó Điểm c, khoản 2 của Điều 22 có nêu: “Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.”

Qua tìm hiểu một số hộ dân đang lấn chiếm, sử dụng đất trong diện tích 29,14 ha cho thấy, không ít trường hợp đã xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định từ đầu những năm 2000 hoặc trước đó. Tuy nhiên, không ít trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc và trồng cây trong vài năm trở lại đây. Kết quả rà soát từng trường hợp lấn chiếm đất của UBND huyện Đắk Song cũng cho thấy điều này.

Cụ thể, xã Trường Xuân có 27 trường hợp sử dụng đất trước năm 2015 và 2 trường hợp sử dụng sau năm 2015. Riêng xã Nâm N’Jang có 24 trường hợp sử dụng đất trước năm 2015, 10 trường hợp không xác định được thời gian và 16 trường hợp sử dụng đất sau năm 2015.

Theo đề xuất của UBND huyện Đắk Song, phương án không thu hồi phần lớn diện tích trong số 29,14 ha phù hợp các văn bản của pháp luật, chỉ đạo của cấp trên và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, UBND huyện Đắk Song chưa đề xuất được cách xử lý cụ thể đối với từng trường hợp xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc và trồng cây trước và sau năm 2015. Điều này vô hình trung đã “đánh đồng” tất cả các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trong 29,14 ha dọc QL14 ở các thời điểm với nhau.

Kiểm điểm 4 cán bộ xã Trường Xuân và Nâm N’Jang

Liên quan đến vụ 29,14 ha đất bị lấn chiếm, Hội đồng xử lý kỷ luật huyện Đắk Song đã tiến hành kiểm điểm, phê bình ông Phạm Quốc Thụy (Chủ tịch UBND xã Trường Xuân), ông Đinh Thanh Tùng (cán bộ địa chính xã Trường Xuân), ông Nguyễn Hữu Tầm (Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang) và ông Trần Văn Thọ (cán bộ địa chính xã Nâm N’Jang). Nguyên nhân 4 cán bộ này bị kiểm điểm là vì chưa phối hợp thường xuyên trong công tác tuần tra, kiểm tra; chậm tổng hợp, báo cáo tình hình chặt phá, lấn chiếm đất do địa phương mình quản lý để các cấp có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý kịp thời…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về việc giải tỏa hơn 29 ha đất rừng bị lấn chiếm dọc quốc lộ 14: Huyện Đắk Song đề nghị phương án không thu hồi phần lớn diện tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO