Trục lợi bất chính chính sách người có công sẽ bị xử lý thích đáng

Linh Thư| 06/03/2020 09:14

Ham danh, hám lợi, có những đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để khai man, làm giả hồ sơ, tài liệu nhằm được công nhận là thương binh, bệnh binh, hưởng các chế độ đãi ngộ đối với người có công. Các đối tượng có hành vi trục lợi bất chính trên sẽ bị pháp luật truy tố, xử lý thích đáng.

ADQuảng cáo

Người có công, thương, bệnh binh luôn được quan tâm chăm sóc và hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã Trường Xuân (Đắk Song)

“Gỡ lịch” với 2 tội danh

Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Gia Nghĩa đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Tài (SN 1960) quê quán Thanh Hóa 4 năm 6 tháng tù vì tội "sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, năm 2004, ông Tài chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị T (SN 1966) tại TP. Gia Nghĩa. Mặc dù ông Tài không đi bộ đội, không tham gia chiến đấu ở bất kỳ cuộc chiến nào nhưng lại muốn được hưởng chế độ thương binh. Để thực hiện mục đích của mình, ông Tài tâm sự với ông H và ông T (cả 2 đều là cựu chiến binh, đang sinh sống ở Đắk Nông và được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng) rằng mình có đi bộ đội nhưng bị mất hết giấy tờ và nay muốn làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh.

Sau đó, ông Tài đã đưa cho ông H số tiền 2,5 triệu đồng để nhờ ông H mua giùm giấy ra viện và quyết định xuất ngũ. Nhận được tiền, ông H đã mua 2 tài liệu trên từ người quen, các tờ giấy này đều có sẵn những tiêu mục chung, có dấu đỏ và chữ ký xác nhận nhưng các tiêu mục liên quan đến cá nhân thì để trống. Nhận được giấy tờ, ông Tài liền viện lý do chữ xấu, không nhớ tên đơn vị, không biết viết thế nào để nhờ ông T điền thông tin cá nhân giúp. Tin lời, ông T điền thêm thông tin cá nhân, đơn vị, cấp bậc, ngày nhập ngũ, xuất ngũ, thương tích… cho ông Tài. Sau khi hoàn thiện thông tin, ông Tài cầm tài liệu đến các cơ quan chức năng làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh.

Ngày 15/5/2009, ông Lê Xuân Tài được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra Quyết định số 59/QĐ-BTL về việc cấp giấy chứng nhận thương binh hạng 4/4 và trợ cấp thương tật người có công với cách mạng với thời điểm hưởng chế độ từ tháng 3/2009. Sau khi có quyết định được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, ông Tài đã nhận số tiền chi trả trợ cấp từ ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 161 triệu đồng.

Năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 5 và kết luận hồ sơ của ông Lê Xuân Tài sử dụng tài liệu giả. Từ cơ sở này, năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đối với ông Lê Xuân Tài và thu hồi số tiền hưởng sai quy định.

ADQuảng cáo

Qua xác minh điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp thông tin không có hồ sơ tài liệu nào về việc ông Tài tham gia quân đội, không có tên trong danh sách quân nhân dự bị và cũng không hề có tên trong danh sách quân nhân bị thương như những thông tin ông Tài khai trong hồ sơ. Tại văn bản giám định y khoa năm 2019, Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác định các vết thương mà ông Tài khai bị thương do trúng đạn dẫn đến tỷ lệ thương tật 35% là không hề có.

Từ những chứng cứ có được, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Tài 1 năm tù về tội "sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và 3 năm 6 tháng tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

“Tù treo” vì chứng thương giả

Tương tự, ông Nguyễn Định M (SN 1957), quê Nghệ An cũng bị Tòa án Nhân dân huyện Đắk Song tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù treo vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi có hành vi khai man, sử dụng giấy tờ giả để được xác nhận là thương binh hòng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Năm 2009, ông M đi điều trị bệnh tại Hà Nội và có quen biết với ông V (quê Thanh Hóa). Tại đây, ông M tâm sự ông V nghe về việc mình có tham gia quân ngũ nhưng khi xuất ngũ không được hưởng chế độ gì. Nghe vậy, ông V hứa sẽ giúp ông M làm giấy chứng nhận bị thương giả để làm hồ sơ thương binh, nhận chế độ của Nhà nước với điều kiện ông M phải đưa số tiền 6 triệu đồng. Tin lời, ông M đưa 6 triệu đồng cùng thông tin cá nhân cho ông V.

Tháng 4/2009, ông V gửi cho ông M giấy chứng nhận bị thương số 24/GCN có thể hiện đúng nhân thân, lai lịch của ông M nhưng không đúng tên đơn vị mà ông M công tác, các vết thương ghi trong giấy chứng nhận cũng không đúng.

Dù biết giấy chứng nhận trên là giả nhưng ông M vẫn đem giao nộp cho các đơn vị, ban, ngành liên quan của huyện Đắk Song và tỉnh Đắk Nông nơi sinh sống đề nghị xem xét, xác nhận thương binh cho mình. Nhờ đó, ông M đã hưởng chế độ trợ cấp thương binh từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2017, chiếm đoạt của Nhà nước số tiền hơn 84 triệu đồng cho tới khi bị phát hiện.

Đây chỉ là 2 trong số những trường hợp ngang nhiên làm giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước qua việc trục lợi bất chính từ các chính sách của người có công. Việc xử lý nghiêm minh với những bản án thích đáng sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng cũng như người dân cần có sự trung thực trong việc khai nhận hồ sơ chính sách để hưởng chế độ ưu đãi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trục lợi bất chính chính sách người có công sẽ bị xử lý thích đáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO