Thực hiện Nghị định 23 của Chính phủ: Tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động chứng thực

Bài, ảnh: Hoàng Thanh| 10/12/2018 09:39

Thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến rõ rệt.

ADQuảng cáo

Ngoài việc người có thẩm quyền chứng thực và người dân có nhiều thuận lợi, việc thực hiện Nghị định 23 còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Người dân đến chứng thực tại Phòng công chứng Mỹ Ngọc (Gia Nghĩa)

Để Nghị định 23 thực sự phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, xã  kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng trong việc làm công tác chứng thực. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 79 công chức phụ trách làm công tác chứng thực, cơ bản bảo đảm về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng việc trang bị cơ sở vật chất như: Máy tính, máy photocopy, bàn ghế, tủ đựng tài liệu…đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác chứng thực. Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền nội dung của Nghị định 23 và các văn bản liên quan dưới nhiều hình thức khác nhau đến với nhân dân.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 23 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Điển hình, Nghị định 23 quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ. Với quy định này, thực tế có thể phát sinh trường hợp bản sao đã được chứng thực nhưng người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối là sửa chữa bản sao sau khi đã được chứng thực. Nếu không lưu trữ bản sao thì cơ quan thực hiện chứng thực lại không có cơ sở để đối chiếu khi có tranh chấp, sai sót xảy ra và khó trong việc giám sát tài chính.

Hiện nay, việc nhận biết giấy tờ giả gặp khó khăn bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi nên người thực hiện chứng thực rất khó nhận biết đâu là giả, đâu là thật. Nguy cơ này càng gia tăng khi gặp phải các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Về chứng thực hợp đồng, giao dịch, Nghị định 23 chỉ quy định chung thủ tục chỉ cần 3 loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân/hộ chiếu của các bên; dự thảo hợp đồng; giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng. Điểm mới này góp phần cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm nhiều loại giấy tờ. Thế nhưng, chính sự quá đơn giản trong thủ tục lại dễ dẫn đến sai sót. Vì vậy, trên thực tế các cơ quan chứng thực thường yêu cầu thêm một số loại giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, để chứng minh mối quan hệ, nhưng do chưa có quy định và hướng dẫn thống nhất nên còn khá lúng túng.

Theo thống kê của ngành Tư pháp, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 23, toàn tỉnh đã chứng thực 1.312.638 bản sao từ bản chính. Nghị định 23 đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện chứng thực, tăng thẩm quyền cho UBND cấp xã, đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi yêu cầu chứng thực hoặc thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có phòng hoặc văn phòng công chứng. Việc được quyền chứng thực tại UBND xã các giao dịch bảo đảm nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân do giảm bớt thời gian xác minh...

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, để công tác chứng thực trên địa bàn ngày càng hiệu quả, ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chứng thực, bảo đảm theo quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện chứng thực. Bên cạnh đó, Sở cũng đã kiến nghị Bộ Tư pháp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 23 tại địa phương để kịp thời tham mưu Chính phủ có hướng điều chỉnh cho phù hợp hơn, góp phần cho công tác chứng thực được thực hiện đúng quy định, hiệu quả và hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị định 23 của Chính phủ: Tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động chứng thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO