Tăng cường các biện pháp quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Phan Tuấn| 13/09/2017 09:02

Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) diễn biến khá phức tạp, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc. Để hạn chế tình trạng này, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh đã tích cực vận động nhân dân giao nộp VK, VLN, CCHT trái phép và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Lực lượng PC64 thu hồi VK, VLN, CCHT tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Hiểm họa và hậu quả khôn lường

Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 13/11/2013, anh Thào Seo Tứ (SN 1985), hộ khẩu thường trú thôn 11, xã Quảng Hòa (Ðắk Glong) sử dụng súng tự chế đi săn thú rừng tại khu vực Suối Vàng nằm trên địa bàn thôn. Nhưng mãi đến chiều tối cùng ngày gia đình không thấy anh Tứ về nên tổ chức đi tìm. Ðến 21 giờ, gia đình tìm thấy xác anh Tứ trong tình trạng bị nhiều vết thương từ bi đạn của súng tự chế.

Trong lúc lực lượng công an đang tiến hành điều tra, làm rõ thì ngày hôm sau, Giàng Seo Gìn (SN 1989), tạm trú tại thôn 11, xã Quảng Hòa đã đến Công an xã Quảng Hòa tự thú về hành vi sử dụng súng tự chế vô ý bắn chết anh Tứ.

Gần đây nhất là vụ việc gây chấn động dư luận cả nước khi một số người dân ở xã Quảng Trực sử dụng súng tự chế để bắn người của Công ty Long Sơn.

Cụ thể, vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 23/10/2016, Công ty Long Sơn triển khai dự án tại khu vực đất bị xâm canh thuộc tiểu khu 1535 nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Trong lúc khoảng 30 người của Công ty Long Sơn đang sử dụng máy cày, máy ủi để san lấp mặt bằng thì một nhóm người đã dùng súng tự chế bắn vào lực lượng của Công ty Long Sơn. Hậu quả của việc xả súng làm cho 3 nhân viên của Công ty Long Sơn chết tại chỗ và 15 người khác bị thương nhập viện cấp cứu.

ADQuảng cáo

Hiện nay, các vụ việc đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Những vụ việc trên cho thấy hiểm họa và hậu quả của việc sử dụng VK, VLN, CCHT là hết sức khôn lường, cảnh người chết kẻ ngồi tù là điều đã thấy rõ.

Tăng cường vào cuộc

Theo PC64, từ năm 2010 đến nay, đơn vị này đã đa dạng hóa việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp nhiều loại VK, VLN, CCHT. PC64 đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, thông qua các cuộc họp thôn, bon, khu dân cư, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, PC64 thực hiện tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, khẩu hiệu, pano, chiếu phim. Nhờ đó, rất nhiều người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT. 

Đơn cử vào ngày 25/6/2017 vừa qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đồn Công an Quảng Sơn (Công an huyện Đắk Glong) phát hiện Nguyễn Thanh Hải (SN 1991), trú tại thôn 1B, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có hành vi chế tạo súng săn trái phép. Khám xét nơi ở, cơ quan chức năng thu được 3 nòng súng cùng các bộ phận khác. Đồn Công an Quảng Sơn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hải. Với hành vi vi phạm này của Hải, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với số tiền 30 triệu đồng.

Từ năm 2010 đến nay, PC64 đã kịp thời thu hồi được 28 vũ khí quân dụng; 9 khẩu súng săn, súng hơi; 1.442 khẩu súng tự chế; 54 nòng súng; 310 viên đạn, 300 gam đạn sắt; 6 quả bom, mìn… Ngoài ra, PC64 còn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời.

Trung tá Lương Đức Đảng, Phó Trưởng phòng PC64 cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Nông không cấp phép cho súng săn, đạn súng săn. Ngoại trừ các đơn vị, tổ chức được phép sử dụng VK, VLN, CCHT theo quy định thì đối với những trường hợp đã được cấp giấy phép trước đây đều phải thu hồi, không còn được phép lưu hành. Hiện nay, nhân dân không được phép lưu hành, sử dụng, mua bán, vận chuyển các loại súng săn, súng tự chế dưới mọi hình thức”. Theo Trung tá Đảng, để công tác thu hồi VK, VLN, CCHT có hiệu quả, đơn vị đã chủ động đưa ra các hình thức như: Tranh thủ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kết hợp với việc động viên, khen thưởng và hỗ trợ lương thực đối với những ai tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT… Qua đó, từng bước tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT là vi phạm pháp luật và nguy hại đến bản thân, gia đình và xã hội

Điều 5, Nghị định Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

- Cá nhân sở hữu, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép VK, VLN, CCHT.

- Lạm dụng việc sử dụng VK, VLN, CCHT để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Cho, tặng, gửi, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán trái phép VK, VLN, CCHT; các loại phế liệu, phế phẩm VK, VLN, CCHT.

- Đào bới, tìm kiếm VK, VLN  khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền.

Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về VK, VLN, CCHT:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

- Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

- Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

- Sử dụng các loại pháo mà không được phép.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

- Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

- Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

- Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;

- Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

-  Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

- Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

- Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

- Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

Ngoài các hình thức phạt hành chính trên còn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định nêu trên. Bên cạnh đó, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị truy tố hình sự.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các biện pháp quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO