Tan nát những cánh rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

Phóng sự: Ngàn Sâu| 20/05/2015 16:56

Sau khi Báo Đắk Nông phản ánh tình trạng rừng phòng hộ (RPH) Nam Cát Tiên bị “rút ruột” thì cơ quan chức năng đã lên tiếng cho rằng, rừng không bị phá nhiều như nội dung bài báo. Tuy nhiên, khi quay trở lại một số tiểu khu thuộc RPH Nam Cát tiên, chúng tôi nhận ra rằng, thậm chí rừng còn bị tàn phá một cách nghiêm trọng hơn…

ADQuảng cáo

Sự thực bên trong rừng…

Tiếp tục hành trình “khám phá” RPH Nam Cát Tiên, chúng tôi được một “thợ rừng” tên là Đ (nay đã “giải nghệ”) dẫn vào tiểu khu 1600 (thuộc RPH Nam Cát Tiên) để chứng kiến rừng nơi đây bị phá.

Sau nhiều giờ đi bộ, băng qua nhiều con dốc, ngọn đồi, chúng tôi cũng tiếp cận được với “hiện trường”. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một cây gỗ rất lớn (theo khẳng định của Đ là cây chua khét) vừa bị “lâm tặc” đốn hạ và xẻ thịt để lấy gỗ.

Hiện trường một cây đại thụ vừa bị “lâm tặc” xẻ thịt để lấy gỗ

Thấy chúng tôi ngẩn ngơ trước cây đại thụ vừa bị “lâm tặc” tận diệt, Đ liền nói: “Đây chỉ là một trong số vô vàn cây đại thụ khác ở RPH Nam Cát Tiên đã bị chặt hạ”. Nói rồi, Đ dẫn chúng tôi đi sâu vào cánh rừng nằm sát bên bờ sông Đồng Nai. Tại đây, hiện ra trước mắt chúng tôi là bạt ngàn cây rừng đã bị ai đó đốn hạ, cưa xẻ tanh bành. Hàng loạt cây rừng lớn chỉ còn lại mỗi phần gốc nằm trơ trọi giữa trời. Mật độ cây rừng bị chặt hạ dày đặc tới mức, chỉ dăm ba bước chân lại có một mô cưa hoặc một gốc cây nằm chỏng chơ.

Đi dọc theo con đường lớn mà “lâm tặc” tạo ra để vận chuyển gỗ, chúng tôi nhận thấy, hễ có một cái lối nhỏ hai bên đường thì y như rằng, phía trong đó sẽ có hàng loạt cây rừng đã bị đốn hạ. Sự tàn sát rừng của “lâm tặc” còn dã man tới mức, bọn chúng không chỉ đốn hạ những cây gỗ lớn mà còn chặt phá rất nhiều cây nhỏ để lấy mặt bằng cưa xẻ gỗ.

Dấu vết phá rừng cho thấy, mới phá cũng có và phá từ lâu cũng có. Điều này chứng tỏ rằng, rừng nơi đây đã bị tàn phá trong một quá trình dài chứ không chỉ diễn ra ở một vài thời điểm. Tại cánh rừng mà chúng tôi thâm nhập, rất khó để bắt gặp những cây gỗ lớn hay quý hiếm, mật độ của rừng cũng rất thưa thớt. Có chăng, nếu còn sót lại những cây gỗ lớn, gỗ tốt thì cũng đã bị “lâm tặc” đánh dấu sẵn và chờ ngày để “đưa lên đoạn đầu đài”...

Băng qua một số cánh rừng khác tại tiểu khu 1600, chúng tôi cũng được chứng kiến tình trạng phá rừng một cách tương tự. Trong khi chứng kiến hiện trường rừng bị phá, xa xa trong từng cánh rừng, tiếng máy cưa của “lâm tặc” lâu lâu lại rít lên, xen lẫn với đó là âm thanh của cây rừng đổ xuống. “Thợ rừng” Đ còn nói đùa với chúng tôi rằng: “Ở tận rừng sâu nhưng âm thanh cũng náo nhiệt chứ đâu có tĩnh mịch như người ta nghĩ…”

Các loại cây có giá trị như sao xanh thường được “lâm tặc” ưu tiên để khai thác gỗ

Gỗ “vô tư” ra khỏi rừng…

Một câu hỏi khiến cho chúng tôi băn khoăn là sau khi phá rừng thì “lâm tặc” đưa gỗ ra khỏi rừng bằng cách nào? Câu hỏi này đã được “thợ rừng” Đ đưa ra lời giải một cách khá đơn giản. Rằng, sau khi cưa xẻ gỗ xong, “lâm tặc” thường tập kết tại một điểm rồi dùng xe máy độ chế, xe càng để vận chuyển ra khỏi rừng và đem đi tiêu thụ.

Thông thường, “lâm tặc” lợi dụng đêm khuya hoặc những hôm trời mưa gió để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng nhằm tránh sự dòm ngó của người dân. “Lâm tặc” vận chuyển gỗ chạy theo tuyến đường lớn từ nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 về xã Đắk Sin. Tuy nhiên, khi chỉ còn cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 (thuộc Ban Quản lý RPH Nam Cát Tiên) chừng khoảng 500m thì lại đi vào một con đường nhỏ xuyên qua một khu rừng để né tránh và ra khỏi rừng.

“Thợ rừng” Đ khẳng định: “Nói là né tránh, nhưng thực chất đó chỉ là “động tác” đưa gỗ ra khỏi rừng một cách “ý tứ” hơn mà thôi, chứ làm sao “qua mặt” được lực lượng chức năng”…

“Lâm tặc” không chỉ phá rừng để làm trụ tiêu mà còn để lấy gỗ quý

Để kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi đã lân la đi vào tuyến đường tránh của “lâm tặc” do “thợ rừng” Đ chỉ điểm. Thực ra, đó chỉ là một lối mòn nhỏ chạy vòng cung xuyên qua bìa rừng và cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 chẳng bao xa. Trên lối mòn này vẫn còn in hằn nhiều vết xe mà theo khẳng định của Đ thì đó là những vết xe vận chuyển gỗ của “lâm tặc”. Đáng chú ý hơn, không chỉ có cảnh “lâm tặc” mà nhiều người dân sống trên địa bàn cũng biết tường tận về “tuyến đường tránh” này.

ADQuảng cáo

Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Giáp, trú tại xã Đắk Sin, phản ánh: “Bản thân tôi đã nhiều lần chứng kiến “lâm tặc” vận chuyển gỗ đi vào tuyến đường trách này để ra khỏi rừng và không hề bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý.”

Còn ông Bùi Văn Thân, cũng trú tại Đắk Sin, cho biết: “Tôi nghĩ, người dân như chúng tôi còn biết rõ về tuyến đường tránh của “lâm tặc” thì không có lý do gì mà lực lượng chức năng lại không biết, chẳng qua người ta có muốn xử lý hay không mà thôi”.

Cũng theo khẳng định của Đ, có nhiều “lâm tặc” còn không thèm đi vào đường tránh mà hiên ngang chở gỗ đi thẳng qua trước Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2, nhưng không hề bị phát hiện…

Chỉ cần nhìn vào mô cưa cũng đủ để nhận thấy quy mô, độ lớn của cây rừng bị chặt hạ

Có sự che giấu…?

Cho đến thời điểm này, chúng tôi liên hệ với một số “thợ rừng” ở Đắk Sin, Đạo Nghĩa… để đặt mua gỗ, trụ tiêu và được họ khẳng định, muốn mua bao nhiêu cũng có, miễn là được giá. Tuy nhiên, nếu như muốn mua gỗ thì chúng tôi phải “đặt cọc” tiền trước để họ đi khai thác. Họ cũng khẳng định, địa điểm khai thác gỗ chủ yếu là ở RPH Nam Cát Tiên. Thông tin này cùng với tư liệu, bằng chứng cụ thể mà chúng tôi đã thu thập được thì việc RPH Nam Cát Tiên bị “rút ruột” là điều không còn phải bàn cãi. Thế nhưng, lãnh đạo một số cơ quan chức năng lại khẳng định, RPH Nam Cát Tiên không hề bị phá.

Cụ thể, theo khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý RPH Nam Cát Tiên, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ RPH Nam Cát Tiên luôn được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nên hầu như rừng không bị phá. Trong Quý I của năm nay, trên lâm phận RPH Nam Cát Tiên không xảy ra bất kỳ vụ phá rừng nào. Thông tin, RPH Nam Cát Tiên bị phá chẳng qua là do sự hoang báo của một số đối tượng trước đây đã từng vào phá rừng, khai thác gỗ nhưng bị ngăn chặn, xử lý.

Ông Xuân quả quyết: “Rừng không có vấn đề gì !”. Mặc dù vậy, khi chúng tôi đặt câu hỏi là đã bao giờ đi kiểm tra thực tế ở trong rừng hay chưa thì ông Xuân lại cho biết: “Bản thân tôi chỉ thực hiện kiểm tra hoạt động của các trạm quản lý bảo vệ rừng chứ đi vào rừng thì không có thời gian và điều kiện”.

Hiện trường phá rừng, mới cũng có…

Trong khi đó, ông Lê Đình Vũ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R’lấp cũng khẳng định, qua số liệu báo cáo cũng như kiểm tra thực tế, RPH Nam Cát Tiên luôn được bảo vệ tốt và hầu như không bị phá. Kể từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Đắk R’lấp cũng chỉ mới phát hiện được một vụ phá rừng để khai thác gỗ duy nhất trên lâm phận RPH Nam Cát Tiên.

Tại hội nghị Giao ban báo chí diễn ra vào ngày 7/5/2015 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, còn đĩnh đạc khẳng định, không có chuyện RPH Nam Cát Tiên bị phá, phản ánh của báo chí là chưa chính xác. Thậm chí, ngày 9/5/2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn gửi văn bản tới Báo Đắk Nông một lần nữa khẳng định, đơn vị này đã phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương để kiểm tra RPH Nam Cát Tiên. Qua kiểm tra, Chi cục không phát hiện được tình trạng RPH Nam Cát Tiên bị phá nhiều như phản ánh của báo chí.

… và cũ cũng có

Lời kết…

Sau khi Báo Đắk Nông có bài viết “Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đang bị “rút ruột”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã vội vàng vào cuộc kiểm tra. Thế nhưng, đáng tiếc là việc kiểm tra dường như chỉ được thực hiện một cách qua quýt để nhằm đối phó với dư luận mà thôi. Còn những nơi rừng bị phá thực sự, Chi cục lại “không phát hiện được” (trích nguyên văn theo Công văn số 307/KL-TTPC ngày 9/5/2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh).

Điều này đã khiến cho chúng tôi hiểu ra rằng, vì sao trước đó, lực lượng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã liên hệ nhờ chúng tôi dẫn vào hiện trường phá rừng tại RPH Nam Cát Tiên để kiểm tra, nhưng sau đó họ lại lẳng lặng tiến hành.

Chúng tôi xin được mượn câu bình luận khá thấm thía của “thợ rừng” Đ để thay cho lời kết của bài viết này: “Người dân, nhà báo đều thấy được RPH Nam Cát Tiên bị tàn phá, chỉ trừ cơ quan chức năng là không thấy!”

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tan nát những cánh rừng phòng hộ Nam Cát Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO