Sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái sẽ bị pháp luật nghiêm trị

Đặng Hiền| 20/03/2020 08:02

Buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng, cơ sở vẫn cố tình vi phạm, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Hành vi vi phạm nói trên sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

ADQuảng cáo

Mỗi người dân nên là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn cho mình những sản phẩm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Từ đơn tố cáo của người dân, ngày 6/3/2020, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Đắk Nông) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Đ.K tại tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) do ông Đỗ Đăng Quang làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 48 hộp kem dưỡng da toàn thân, 12 hộp kem Colagel với tổng trị giá 10,2 triệu đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 152 hộp thuốc nhuộm tóc là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trước những sai phạm của cơ sở, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm, tiến hành xử phạt; đồng thời, đề nghị chủ cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Không chỉ kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều đối tượng còn sản xuất, buôn bán nước giải khát, thực phẩm giả bất chấp ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra, thu giữ 5.328 chai nước tăng lực Number One giả tại hộ kinh doanh của bà Đinh Thị A (SN1979) ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil). Cơ sở của bà A bị kiểm tra do có liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả do Trần Minh Hải (SN1982), ở TP. Hồ Chí Minh cầm đầu.

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang Hải đang tổ chức cho người đóng gói thành phẩm nước tăng lực Number One giả tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Qua điều tra, Hải khai nhận nhập nguyên liệu về sản xuất, đóng nhãn mác để làm giả rồi tung ra thị trường các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông để tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã tiến hành mở rộng điều tra, bắt giữ và khởi tố các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Có thể nói, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng, tạp hóa nhỏ lẻ vùng sâu vùng xa đến các trung tâm, đô thị. Sự phát triển của hoạt động buôn bán qua mạng chưa được kiểm soát hiệu quả cũng tạo điều kiện cho các mặt hàng trôi nổi bày bán trên thị trường.

Riêng năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 2.255 vụ việc liên quan đến gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu. Qua đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố hình sự 97 vụ, với 170 đối tượng; xử lý hành chính 2.158 vụ, đồng thời, tịch thu nhiều tang vật vi phạm và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 24,5 tỷ đồng.

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bày bán tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần có sự phối hợp về phòng chống, ngăn chặn. Hơn ai hết, mỗi người dân nên là người tiêu dùng thông minh để có thể tự bảo vệ mình, không tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái sẽ bị pháp luật nghiêm trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO