Ròng rã truy lùng kẻ trốn truy nã hơn 14 năm

Phan Tuấn| 11/08/2017 10:58

Sau hơn 14 năm lẩn trốn truy nã về tội "Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người", đối tượng Bùi Sỹ Tưởng (SN 1982), thường trú tại tỉnh Nam Định, đã sa lưới pháp luật.

ADQuảng cáo

 Việc đưa được đối tượng này ra quy án là một câu chuyện dài với bao nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát truy nã (PC 52) Công an tỉnh Đắk Nông.

Bùi Sỹ Tưởng bị PC52 Đắk Nông bắt giữ sau 14 năm trốn truy nã. Ảnh PC52 cung cấp

Theo hồ sơ vụ án, do có mâu thuẫn trong việc làm ăn, chiều ngày 20/1/2003, tại khu vực thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong), Bùi Sỹ Tưởng đã dùng dao chém vào chân anh Nguyễn Văn Vinh (SN 1985), thường trú tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Hậu quả, anh Vinh bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu. Ngày 17/2/2003, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Bùi Sỹ Tưởng về tội "Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người".

Sau khi gây án, Tưởng đã nhanh chóng “cao chạy xa bay” và chui lủi qua nhiều địa phương trong cả nước. Lần theo dấu vết, cơ quan công an phát hiện Tưởng trốn về quê ở Nam Định. Khi "đánh hơi" được sự truy lùng gắt gao của lực lượng truy nã, đối tượng lại trốn vào tỉnh Lâm Đồng. Lẩn trốn ở đây được một thời gian, Tưởng lại sang tỉnh Đồng Nai để làm thuê kiếm sống. Tới đây, lực lượng truy nã hầu như bị mất dấu, không còn nắm được tung tích của Tưởng.

ADQuảng cáo

Việc xác minh thông tin và truy bắt Tưởng rất khó khăn vì các tài liệu hết sức nghèo nàn. Cơ quan truy nã không có ảnh nhận dạng đối tượng. Trước khi gây án, Tưởng cũng chưa đăng ký chứng minh thư, chưa có dấu vân tay. Mối quan hệ trong hồ sơ của đối tượng cũng không thực sự rõ ràng. Gia đình của đối tượng hầu như không hợp tác với cơ quan công an. Trong khi đó, người bị hại và các nhân chứng khi làm việc với công an chỉ mô tả đặc điểm nhận dạng của hung thủ một cách mờ nhạt, không rõ ràng.

Về phần Tưởng, khi đến Đồng Nai sinh sống đã lấy vợ và sinh được 2 người con. Tại đây, Tưởng có mối quan hệ tốt với mọi người, chính quyền địa phương và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Không những thế, Tưởng còn chăm chỉ làm ăn và trở thành một người sản xuất kinh doanh giỏi. Do vậy mà "chân tướng” của một kẻ phạm pháp đang bị truy nã đặc biệt không hề bị bộc lộ...

Sau 14 năm xảy ra vụ việc, lực lượng PC52 vẫn âm thầm, miệt mài truy lùng kẻ thủ ác. Đầu tháng 6/2017, PC52 đã xác định được tung tích, nơi ở của Tưởng là tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Nhận được lệnh của lãnh đạo, một tổ công tác của PC52 tức tốc xuống Đồng Nai để tiếp cận, vây bắt đối tượng. Ngày 12/6/2017, khi Tưởng đang có mặt tại nhà riêng thì lực lượng PC52 ập vào bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của gia đình, hàng xóm láng giềng.

Theo Đại tá Vi Đức Bảo, Trưởng Phòng PC52, công việc truy bắt các đối tượng truy nã về chịu tội trước pháp luật là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát truy nã, góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước, bảo đảm trật tự xã hội. “Việc bắt được đối tượng Bùi Sỹ Tưởng không chỉ giúp cơ quan điều tra kết thúc vụ án mà còn góp phần loại khỏi xã hội một đối tượng nguy hiểm. Thành tích này cũng chính là sự động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với PC52”, Đại tá Vi Đức Bảo tâm sự. Vị Đại tá cũng nhắn nhủ: "lưới trời" luôn lồng lộng, pháp luật luôn nghiêm minh. Do đó, những ai đã vi phạm pháp luật thì hãy thành khẩn quy hàng, nhận tội để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Ngược lại, dù có ngoan cố đến đâu, trốn tránh ở "chân trời, góc bể" nào thì trước sau gì, những kẻ phạm tội cũng phải trả giá và không thể thoát khỏi sự trừng trị của luật pháp.

Chính sách khoan hồng dành cho người ra đầu thú

Truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những biện pháp xử lý tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng có những quy định, thể hiện tính nhân đạo đối với những trường hợp ăn năn, hối lỗi và có hành động tự thú, đầu thú.

Điểm h, i Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình trước khi bị phát hiện, bắt giữ. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, chính sách khoan hồng được áp dụng đối với: Người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường, khắc phục những thiệt hại đã gây ra.
Theo quy định hiện hành, chính sách khoan hồng bao gồm các mức sau đây: Giảm nhẹ khung hình phạt; đặc xá; đại xá; miễn hình phạt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ròng rã truy lùng kẻ trốn truy nã hơn 14 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO