Qua giám sát việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự: Vẫn còn nhiều hạn chế, sai phạm

Nguyễn Hiền| 25/05/2015 09:21

Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Qua giám sát, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì các cơ quan tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, sai phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

ADQuảng cáo

Những hạn chế, sai phạm phổ biến

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra vẫn còn nhiều sai phạm dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Điển hình qua kiểm tra có 14 trường hợp bị bắt và tạm giữ hình sự, nhưng sau đó lại chuyển sang xử lý hành chính; Viện Kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đến 103 vụ, yêu cầu khởi tố 6 bị can, thay đổi tội danh cho 8 bị can…

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã xác định, những vi phạm phổ biến, điển hình trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Theo đó, cơ quan điều tra hai cấp không vào sổ thụ lý đầy đủ tin báo, tố giác tội phạm, không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho Viện Kiểm sát, không đưa ra quyết định giải quyết vật chứng.

Việc áp dụng pháp luật cũng không thống nhất giữa các đơn vị. Điển hình như với tội phạm ít nghiêm trọng, bị can có nhân thân rõ ràng và phạm tội lần đầu thì có cơ quan cho rằng không cần thiết tạm giam, nhưng có cơ quan lại cho rằng phải tạm giam. Một số vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại không thống nhất quan điểm.

Việc áp dụng tình tiết “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau, dẫn đến khởi tố oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ  hồ sơ do Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Trại tạm giam tiếp nhận bị can không kiểm tra sức khỏe người tạm giữ; hồ sơ tạm giam không đầy đủ và có sự tẩy xóa...     

Bên cạnh đó, những vi phạm pháp luật phổ biến trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử của Viện Kiểm sát các cấp cũng dẫn đến các trường hợp oan, sai. Điển hình như một số tin báo có dấu hiệu tội phạm phải xử lý hình sự thì một số Viện Kiểm sát cấp huyện lại đánh giá và có quan điểm thống nhất với cơ quan điều tra cùng cấp là không khởi tố hình sự.

Một số Viện Kiểm sát cấp huyện giải quyết tin báo của cơ quan điều tra thiếu chặt chẽ, dẫn đến nhiều tin báo quá hạn, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Viện Kiểm sát các cấp vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn phê chuẩn, đánh giá chứng cứ, khởi tố hoặc không khởi tố vụ án không đúng với quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Một số trường hợp có biểu hiện cẩu thả trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Việc đánh giá chứng cứ trong vụ án không đầy đủ, chưa làm rõ các cấu thành cơ bản của tội phạm nên truy tố không đúng tội danh buộc tòa án phải thay đổi nhiều tội danh cho đúng pháp luật.

Cần khắc phục kịp thời

Ngoài một số nguyên nhân khách quan xuất phát từ các quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự thì Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Điển hình như trình độ, năng lực nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế và chưa được bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Vì vậy, một số cán bộ tư pháp áp dụng pháp luật chưa đúng, còn máy móc, chưa phù hợp với chính sách và đường lối xử lý hình sự.

Một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa chấp hành đúng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án và chưa làm tốt việc điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ, dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Do đó, có vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại do thiếu căn cứ, hoặc đánh giá chứng cứ không đúng, sai tội danh, bỏ lọt tội phạm.

Quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với Viện Kiểm sát theo thẩm quyền trong công tác phân loại, xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu ở một số trường hợp chưa tốt, dẫn đến sai sót trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và trong công tác điều tra, giải quyết các vụ án hình sự.

Từ thực trạng nói trên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan tư pháp trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Cùng với đó, địa phương cần có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, đảm bảo không làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2010 và Hiến pháp năm 2013 để khắc phục những vi phạm, sai sót trong thời gian qua cũng như phòng, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm trong thời gian tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua giám sát việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự: Vẫn còn nhiều hạn chế, sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO