Phòng, chống thiên tai: Cần đẩy mạnh hình thức thông tin kịp thời đến người dân

Lương Nguyên| 05/09/2018 09:34

Công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua được chú trọng nhưng cũng còn nhiều mặt như hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống khi có thiên tai xảy ra.

ADQuảng cáo

Hầu hết công trình thủy lợi hiện nay đều “trắng” hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nên gây khó khăn trong công tác cảnh báo tình hình thiên tai

Vẫn còn nhiều bất cập

Những năm trở lại đây, thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công tác PCTT đã có nhiều chuyển biến.

Tại tỉnh Đắk Nông, trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các loại hình thiên tai như: Lốc xoáy, mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất... Nhờ sự ứng phó kịp thời của các cấp, ngành, địa phương nên thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và hệ thống công trình hư hỏng được hạn chế rất nhiều.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) tỉnh, thời gian qua, công tác PCTT trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết, khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu, năng lực ứng phó của lực lượng PCTT với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng. Chưa kể, nguồn nhân lực thực hiện công tác này hiện còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, chủ yếu làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, nhất là ở cấp huyện, xã.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng khẳng định: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài hơn 200 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, toàn tỉnh còn có hơn 50 công trình, hồ đập lớn nhỏ do chính quyền cấp xã, các nông, lâm trường quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, hoạt động khá tạm bợ. Nguy cơ thiên tai từ những công trình này không thể lường trước được.

Cũng liên quan đến hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ông Nguyễn Thừa Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết: “Trong tất cả hơn 200 công trình thủy lợi hiện nay do đơn vị quản lý đều “trắng” hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn. Điều này gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong công tác cảnh báo, dự báo tình hình thiên tai tại các công trình”.

Ngoài ra, nguồn kinh phí để phục vụ, cũng như việc lồng ghép công tác PCTT trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Qua làm việc với các địa phương, nhiều đơn vị phản ánh nguồn Quỹ PCTT phân bổ từ cấp tỉnh xuống cấp huyện còn rất chậm. Trong khi, vấn đề đặt ra khi khắc phục thiên tai phải kịp thời, khẩn cấp nên gây nhiều khó khăn cho các địa phương khi triển khai nhiệm vụ”.

Bên cạnh đó, trong PCTT, nhận thức, tâm lý chủ quan của một bộ phận nhân dân không chịu di dời, tránh thiên tai cũng gây trở ngại cho các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều bất cập, chưa chủ động; chế độ trực, theo dõi, nắm tình hình theo phân cấp ở một số vụ việc chưa kịp thời, đang là những hạn chế lớn đến việc PCTT hiện nay.

Công trình thủy lợi Hồ Trung tâm Gia Nghĩa

Đa dạng hình thức tuyên truyền, cảnh báo

Để nâng cao hiệu quả PCTT, theo đại diện các sở, ngành, cũng như các địa phương, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là cần đưa thông tin kịp thời đến mọi người dân một cách kịp thời nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông chia sẻ: Hằng năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nên đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng xuống các xã, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nguy cơ thiên tai cao. Nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền thì bà con sẽ nắm bắt kịp thời thông tin, từ đó, chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Ông Bình minh chứng thêm, năm 2017, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền xuống địa bàn 3 xã có nguy cơ thiên tai cao. Trong quá trình tuyên truyền, đơn vị đã giới thiệu địa chỉ Website, số điện thoại và một số “kênh” thông tin khác để bà con theo dõi bản tin thời tiết. Sau khi giới thiệu, đông đảo người dân đã truy cập Website, cũng như gọi điện thoại lên để cập nhật thông tin, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Điều này chứng tỏ người dân rất quan tâm đến thông tin về diễn biến thời tiết, khí hậu.

Tương tự, ông Trần Văn Thuân, Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Chi nhánh Đắk Nông cho rằng: “Khi thông tin xuống bà con nhân dân phải bảo đảm tiêu chí “3 nhất” là nhanh nhất, sâu nhất và rộng nhất. Để làm được điều này, các đơn vị liên quan nên phối hợp với nhau triển khai việc dự báo đến người dân bằng hình thức gửi tin nhắn về cảnh báo thời tiết, khí hậu theo từng vùng, địa điểm qua điện thoại”.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng nhấn mạnh: Ngoài giải pháp đẩy mạnh thông tin kịp thời xuống người dân, thời gian tới, về phía Công ty Thủy lợi cần phối hợp với các đơn vị tăng cường lắp đặt hệ thống cảnh báo, làm sao tuyên truyền người dân một cách nhanh nhất. Các đơn vị liên quan nên đề xuất, tham mưu cho các cấp nâng cấp, lắp đặt thêm các trạm đo mưa theo hướng cảnh báo cụ thể từng vùng, từng khu vực, không cảnh báo chung chung, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản nếu có thiên tai xảy ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống thiên tai: Cần đẩy mạnh hình thức thông tin kịp thời đến người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO