Nhức nhối hình thức núp bóng khai thác đá xây dựng (kỳ 2): Giấy phép khai thác đá xây dựng bị lợi dụng

Phóng sự điều tra của Ngàn Sâu| 24/01/2019 15:56

Ngoài hình thức khai thác trái phép, hàng loạt chủ mỏ đá lợi dụng cấp phép khai thác đá xây dựng để khai thác đá cây. Tình trạng này đã gây thất thoát rất lớn về thuế và tài nguyên khoáng sản…

ADQuảng cáo

Nhập nhằng đá cây, đá xây dựng

Tiếp tục sắm vai người đi mua đá, chúng tôi đến mỏ đá Bazan của Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát tại xã Quảng Trực (Tuy Đức). Mỏ đá này có quy mô hơn 5 ha, được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá xây dựng vào năm 2013.

Mỏ nằm cách trung tâm xã Quảng Trực chừng 30 km, ẩn sâu trong một cánh rừng, có trữ lượng rất lớn, chất lượng đá tốt. Việc khai thác đá ở đây được tổ chức bài bản, với nhiều xe cộ, máy móc, thiết bị hiện đại nhưng hầu như không để khai thác đá xây dựng. Tại khu vực tập kết đá, có hàng loạt phiến đá cây với kích thước rất lớn được tập kết để chờ vận chuyển đi tiêu thụ…

Mỏ đá Vượng Phát lâu nay chỉ khai thác đá cây

Theo ông Nguyễn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát, lâu nay đơn vị chỉ khai thác đá cây chứ chưa khai thác đá xây dựng. Sắp tới, công ty mới đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm tận dụng các loại đá không đủ tiêu chuẩn đá cây để làm đá xây dựng. Chúng tôi đặt vấn đề vì sao Công ty khai thác đá cây mà không bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý?.

Ông Dũng nói như để thị uy với chúng tôi: “Dĩ nhiên phải có “mấy anh” hỗ trợ mới dám làm”. Chúng tôi liền hỏi “mấy anh” là những anh nào ?. Ông Dũng không trả lời cụ thể mà chỉ nói bóng gió về việc có người “nâng đỡ” cho khai thác đá cây. Ông Dũng cũng thừa nhận, việc khai thác đá cây là không đúng với quy định cấp phép và Công ty đã “lách luật”. Đá cây sau khi khai thác được Công ty đưa về nhà máy ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) chế biến thành phẩm hoặc bán cho một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Rời Quảng trực, chúng tôi tiếp tục đến mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng Phương Nam, tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp). Mỏ đá này cũng có quy mô lớn, được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá xây dựng vào năm 2013. Dù tương đối chấp hành nghiêm túc quy định cấp phép, nhưng Công ty này vẫn “tranh thủ” khai thác đá cây để tiêu thụ. Thời điểm chúng tôi có mặt, một số lượng khá đá cây đang được tập kết tại công trường khai thác.

Theo giải thích của lãnh đạo Công ty, quá trình khai thác đá xây dựng, đơn vị chỉ tận thu đá cây và khối lượng không đáng kể. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 11/2018, Đội Phòng chống thất thu của Cục thuế tỉnh Đắk Nông đã phát hiện Công ty khai thác một lượng lớn đá cây. Quá trình tiêu thụ số lượng đá cây này, Công ty chỉ kê khai và nộp thuế theo diện đá xây dựng. Do đó, Cục thuế tỉnh đã lập biên bản xử lý hành chính và quyết định truy thu của Công ty hơn 120 triệu đồng tiền thuế…

Một lượng lớn đá cây của Công ty TNHH Xây dựng Sơn Trung Kim được tập kết chờ đi tiêu thụ

ADQuảng cáo

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng Sơn Trung Kim ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức). Tại đây, nhiều máy móc, xe cộ và công nhân đang hoạt động khai thác đá rất nhộn nhịp. Ở đây, có nhiều đá xây dựng đã được khai thác. Bên cạnh đó, một khối lượng đá cây cũng đã được đưa lên khỏi mặt đất và đang đợi đưa đi tiêu thụ. Theo ông Lý Sáo Sàng, người sinh sống gần mỏ đá, hầu như ngày nào cũng có xe vận chuyển đá cây từ mỏ đá này đem đi tiêu thụ. Có những ngày có 3-4 chuyến xe vận chuyển đá cây rời khỏi Đắk Ngo. Còn theo quản lý mỏ đá, ông Nguyễn Tất Phong, việc khai thác đá cây được thực hiện song hành với khai thác đá xây dựng nhưng số lượng không nhiều và Công ty chủ yếu thực hiện khai thác theo kiểu tận dụng.
Tính đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép cho các tổ chức, doanh nghiệp khai thác đá xây dựng tại 25 mỏ đá. Chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cũng thực hiện công tác quản lý việc khai thác đá theo giấy phép khai thác đá xây dựng. Còn đối với việc quản lý khai thác đá cây hầu như đang bị bỏ ngỏ, không được quan tâm. Nhận định này có cơ sở vì, đến nay, UBND các huyện, thị xã và ngành quản lý tài nguyên hầu như chưa xử lý bất kỳ trường hợp nào có hành vi khai thác đá cây trái phép…

Những con số... giật mình

Theo tiết lộ của anh N.Đ.H, người kinh doanh đá cây có tiếng ở Đắk Nông, bình quân mỗi ngày mỏ đá ở thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil), người ta có thể khai thác từ 150-200m3 đá cây. Còn ở những mỏ đá có quy mô nhỏ hơn, mỗi ngày cũng có thể khai thác trên dưới 100m3 đá cây. Nếu tính chung trên địa bàn Đắk Nông, mỗi ngày người ta khai thác và tiêu thụ khoảng 1.000m3 đá cây.

Anh H khẳng định: “Mỗi khi không được cấp phép thì việc khai thác, mua bán đá cây dĩ nhiên là trái phép. Nếu đã trái phép thì chắc chắn không ai đóng thuế. Điều này có nghĩa Nhà nước đã và đang bị thất thoát một số lượng tài nguyên và tiền thuế rất lớn”.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng cấp phép khai thác đá xây dựng để khai thác đá cây

Anh H đưa ra tính toán việc thất thoát thuế và tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Việc khai thác khoáng sản như đá Bazan phải đóng thuế tài nguyên là 15%, phí tài nguyên 50.000 đồng/m3. Khi tiêu thụ đá, đơn vị khai thác còn phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Tổng cộng, đơn vị khai thác và tiêu thụ đá Bazan phải chịu 25% thuế và phí môi trường 50.000 đồng/m3. Giá trị của chủng loại đá cây được UBND tỉnh Đắk Nông quy định hiện nay 1,5 triệu đồng/1m3. Nếu mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có 1.000m3 đá cây (trị giá 1,5 tỷ đồng) bị khai thác, tiêu thụ trái phép, Nhà nước sẽ thất thoát khoảng 425 triệu đồng gồm tiền thuế và phí môi trường. Như vậy, mỗi tháng sẽ có khoảng 13 tỷ tiền thuế bị thất thoát.

“Tôi dám khẳng định, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác đá cây trái phép, mỗi năm Nhà nước sẽ mất hơn 100 tỷ đồng tiền thuế. Chắc chắn những người có trách nhiệm người ta sẽ phủ nhận số liệu này. Vì việc khai thác lậu (đá cây-P.V) không ai thống kê được, nhưng với tư cách một người “ở trong nghề” lâu năm, tôi khẳng định đó hoàn toàn là sự thật”, anh H quả quyết.

Tài nguyên khoáng sản đá Bazan thuộc diện tài nguyên không thể phục hồi. Do đó, việc khai thác đá Bazan cũng có nghĩa là một số lượng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh bị mất đi vĩnh viễn. Giá trị của số tài nguyên đó lại “chảy vào túi” của những người làm ăn phi pháp nhưng hậu quả tác động môi trường và nhiều hệ lụy khác thì địa phương phải giải quyết…

>> Kỳ 3: Bóng dáng thương lái nước ngoài

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối hình thức núp bóng khai thác đá xây dựng (kỳ 2): Giấy phép khai thác đá xây dựng bị lợi dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO