Nhức nhối hình thức núp bóng khai thác đá xây dựng

Phóng sự điều tra của Ngàn Sâu| 23/01/2019 07:53

Đá bazan dạng “cây” được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp vào diện tài nguyên khoáng sản quý hiếm và chưa cấp phép khai thác cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào ở Đắk Nông. Thế nhưng, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp vẫn “vô tư” khai thác loại đá này, dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản rất nghiêm trọng…

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Một công trường "bí hiểm" ở Ðắk Mil

Cách trung tâm huyện Đắk Mil chừng 5 km có một mỏ đá Bazan. Thời gian qua, mỏ đá này đã bị một số người tổ chức khai thác trái phép với số lượng rất lớn, nhưng không được ngăn chặn, xử lý…

Một khu vực bị đào bới để khai thác đá cây trái phép ở thôn 10A

Vào công trường phải có "bảo lãnh"

Thời gian gần đây, người dân ở thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil), thường bàn tán về tình trạng khai thác đá Bazan trái phép trên địa bàn. Trong vai một nhà thầu xây dựng, chúng tôi về thôn 10A để tìm hiểu sự việc. Sau một thời gian lân la, chúng tôi được người dân cung cấp thông tin: Mỏ đá Bazan ở khu vực này có quy mô, trữ lượng lớn. Đá Bazan dạng “cây” (thường gọi đá cây) ở đây bị khai thác trái phép mỗi ngày khoảng 200m3…

Người dân cảnh báo, ở mỏ đá cây thường xuyên có “đầu gấu” canh giữ, người lạ rất khó tiếp cận được. Trước tình thế này, chúng tôi đã phải nhờ anh N.Đ.H, một người “có tiếng” trong giới khai thác và kinh doanh đá cây, làm “cầu nối” để tiếp cận mỏ đá. Anh H đồng ý "bảo lãnh" cho chúng tôi nhưng căn dặn tuyệt đối không được để lộ thân phận.

Chúng tôi đến mỏ đá nằm bên một sườn đồi trong tiết trời nắng gắt. Quanh mỏ đá là con đường lớn chạy vòng vèo. Theo anh H, con đường này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển đá ra ngoài để tiêu thụ. Cổng chính vào khu vực này chỉ vừa đủ cho một làn xe tải và được che chắn bằng hàng rào tôn rất kín kẽ, không thể quan sát vào bên trong. Chúng tôi bắt gặp 5 người đàn ông đang đứng trò chuyện trước cổng với vẻ mặt rất lạnh lùng, đầy nghi kỵ. Anh H tiến đến bên họ nói gì đó và chúng tôi được họ ra hiệu cho vào bên trong. Vừa qua khỏi cổng không xa, chúng tôi thấy một đại công trường khai thác đá. Hàng loạt máy móc đang cần mẫn đào bới, múc những hòn đá lớn đưa lên mặt đất. Tiếng máy đào, máy múc "rộn ràng" cả một khu vực. Đá Bazan đủ các kích cỡ được chất thành đống. Hàng trăm phiến đá cây xếp ngổn ngang. Những phiến đá này có đường kính từ khoảng 40-50 cm, dài từ 2-4m. Không khó để nhận ra ở khu vực mỏ có rất nhiều hầm, hố lớn - dấu vết của việc khai thác đá…

Chúng tôi đề cập với những người đàn ông canh cổng về việc mua đá phục vụ xây dựng. Một người trong số họ gằn giọng: “Các ông cần mua bao nhiêu?”. Chúng tôi nói mua khoảng 1.000m3 để xây dựng công trình thủy lợi. Rồi chúng tôi đề cập đến giá cả, hóa đơn thanh toán, cách thức vận chuyển… Thế nhưng, họ đều không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào. “Các ông tự đi gặp chủ mỏ mà hỏi. Bọn tôi ở đây chỉ bảo vệ công trường, không biết chuyện đó”, một người trả lời. Chúng tôi liền hỏi: “Chủ mỏ là ai?”. Tất cả bọn họ nhìn chằm chằm vào chúng tôi và không trả lời. Khi cuộc trò chuyện đang diễn ra, tại khu vực cổng ra vào xuất hiện một chiếc xe tải lớn mang biển số 48C 039.20 chở 12 hòn đá cây ì ạch đến và đỗ lại. Lái xe là một thanh niên còn khá trẻ. Anh ta cho biết đang chờ “hiệu lệnh” để vận chuyển đá đi tiêu thụ...

ADQuảng cáo

Một xe tải chở đá cây đang chờ lệnh xuất phát đem đi tiêu thụ

Chủ mỏ bí ẩn

Mỏ đá thôn 10A có quy mô hơn 17 ha. Tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Thắng (Đắk Mil) 10,5 ha/17 ha để khai thác đá xây dựng. Những khu vực còn lại đến nay chưa được quy hoạch, chuyển đổi và chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào khai thác. Khu vực này có trữ lượng đá cây rất lớn và đá rất đẹp.Thế nhưng, hầu như toàn bộ khu vực này đã bị khai thác trái phép.

Trong quá trình đi tìm chủ mỏ đá, chúng tôi được ông N.M.Q, người chuyên kinh doanh đá xây dựng ở thôn 10A, cung cấp một số thông tin. Theo ông Q, trong thời gian qua, có nhiều tay chuyên kinh doanh đá cây ở các địa phương khác đã về xã Đắk Lao để hậu thuẫn cho người dân ở đây khai thác đá trái phép. Họ bỏ toàn bộ chi phí thuê máy móc, thiết bị, nhân công rồi giao cho một số người dân tại địa phương trực tiếp đứng ra tổ chức khai thác đá. Sau đó, họ tổ chức vận chuyển đá đi nơi khác tiêu thụ và chia phần trăm cho những người trực tiếp đứng ra khai thác.

Chúng tôi đem thông tin này trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil. Ông Ánh thừa nhận, việc khai thác đá trái phép ở thôn 10A đã diễn ra rất phức tạp, với quy mô lớn. Thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện Đắk Mil xử lý, ngăn chặn, nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Về việc có người từ địa phương khác đến tổ chức khai thác đá, ông Ánh cho biết: “Cái đó nghe người ta đồn vậy chứ cũng chưa ai có bằng chứng gì”.

Khu vực khai thác đá trở nên tan hoang, với hàng loạt hầm, hố rất lớn

Vậy chủ mỏ đá đích thực là ai? Chúng tôi lại mày mò, lần theo một số thông tin từ giới kinh doanh, buôn bán đá cây. Những thông tin về chủ mỏ cũng dần hé mở. Đối tượng đầu tiên là N.C.T, chủ một doanh nghiệp hoạt động xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị xã Gia Nghĩa. Ông này giữ vai trò đầu mối trong khâu thu gom và tiêu thụ đá cây. Sau ông T là  P.V.S, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Ông này thường chịu trách nhiệm vận tải đá cây từ các địa điểm khai thác về tập kết tại cơ sở của ông T. Cuối cùng là N.X.T, cũng là chủ một doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Người này chịu trách nhiệm về khâu “ngoại giao” để việc khai thác, vận chuyển và tiêu thụ đá cây không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Một người dân ở thôn 10A cung cấp thông tin về một số đối tượng từng trực tiếp đứng ra tổ chức khai thác đá trái phép. Đó là ông Nguyễn Văn Định (1978), trú tại thôn 10A, xã Đắk Lao; Nguyễn Khánh Trường (1990), trú tại thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) và Nguyễn Quốc Khánh (1968), trú tại thị trấn Đắk Mil. Vào tháng 8/2018, ba người này đã bị UBND huyện Đắk Mil phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 26,5 triệu đồng vì có hành vi khai thác đá xây dựng trái phép tại thôn 10A…

>> Kỳ 2: Giấy phép khai thác đá xây dựng bị lợi dụng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối hình thức núp bóng khai thác đá xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO