Nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội: Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Bình Minh| 21/07/2014 09:19

Dù được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động và hàng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội qua lương của cán bộ, viên chức nhưng biện minh nhiều lý do khác nhau mà hàng trăm đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội kéo dài; trong khi đó, sự phối hợp trong quản lý, xử lý chưa đồng bộ nên đã khiến cho cơ quan bảo hiểm xã hội hiện nay gần như bất lực!

ADQuảng cáo

Nợ ngày càng lớn

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng theo quy định nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, toàn tỉnh hiện có tới 525 đơn vị hành chính sự nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Đây là số lượng tăng cao so với những năm trước. Và theo Bảo hiểm xã hội tỉnh thì với tình trạng như thế này, số lượng nợ sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Tình trạng nợ tiền bảo hiểm xã hội của các đơn vị hành chính phổ biến khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhưng trong đó, các địa phương có số lượng nợ nhiều nhất là Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Krông Nô. Các đơn vị nợ chủ yếu là trường học, trung tâm y tế, ban quản lý các dự án, UBND xã, các trung tâm trực thuộc sở, ngành…

Việc các đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải quyết chế độ ôm đau, thai sản, tai nạn, hưu trí gây thiệt thòi cho người lao động. Ngoài ra, tình trạng này cũng gây ảnh hưởng đến việc giải quyết một số chế độ liên quan đến bảo hiểm y tế của người lao động. 

Cơ quan bảo hiểm xã hội bất lực

Theo quy định thì các đơn vị phải nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng tháng. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh thì nguyên nhân chính dẫn đến nợ lớn kéo dài là do lãnh đạo các đơn vị thiếu quan tâm đến việc theo dõi, nhắc nhở bộ phận liên quan nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng quy định.

ADQuảng cáo

Trước thực trạng nợ bảo hiểm ở các cơ quan hành chính sự nghiệp lớn, thời gian qua Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản báo cáo tình hình với các cấp, ngành có liên quan, đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống từng đơn vị để đôn đốc thu hồi nợ, rồi tiến hành tính lãi suất theo lãi suất của các ngân hàng thương mại nhưng xem ra vẫn chưa đưa lại nhiều kết quả.

Ngoài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở thì cơ quan bảo hiểm lại không có quyền để tiến hành các biện pháp mạnh hơn như xử phạt hành chính, cưỡng chế thu hồi nợ. Theo quy định hiện hành thì quyền ra quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ quan hành chính chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội thuộc về thanh tra Sở Lao động, Thương binh - xã hội và chủ tịch UBND các huyện, thị xã. Do đó, ngành bảo hiểm hiện nay chỉ trông chờ vào sự vào cuộc của các ngành, cấp có liên quan.

Ông Đặng Xuân Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Theo quy định thì cơ quan bảo hiểm có quyền khởi kiện các đơn vị nợ đọng kéo dài này ra tòa. Tuy nhiên, nói như vậy thôi chứ khởi kiện các đơn vị hành chính ra tòa phức tạp lắm. Vì thế, với tình hình như hiện nay thì cơ quan bảo hiểm xã hội gần như bất lực!”.   

Cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành

Ông Đặng Xuân Nam cho biết thêm: “Công tác thu hồi nợ báo hiểm xã hội hiện nay rất cần có sự quan tâm của các ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành Lao động, Thương binh - Xã hội. Trong đó, các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác xử phạt hành chính sau khi có báo cáo danh sách nợ của cơ quan Bảo hiểm xã hội”.

Cũng theo ông Nam thì nên chăng các địa phương đưa chỉ tiêu việc nộp tiền bảo hiểm xã hội theo quy định vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Được biết, vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã có văn bản giao cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để yêu cầu cắt tất cả các danh hiệu thi đua trong năm 2014 đối với các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu đơn vị và cấp ủy không chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nghiêm túc, vi phạm pháp luật. Hy vọng, văn bản chỉ đạo này sẽ nhanh chóng được triển khai hiệu quả để góp phần vào nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị đối với quyền lợi chính đáng của người lao động.

Có thể nói, qua tình trạng nợ bảo hiểm xã hội ở các đơn vị hành chính sự nghiệp cho thấy, ý thức của những người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước còn yếu kém. Và đã đến lúc, tỉnh cần có hình xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động, cũng như sự đảm bảo về an sinh xã hội.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội: Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO