Nhiều cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa mua bán, chiếm dụng đất rừng

Ngàn Sâu| 09/08/2016 12:14

Thông qua “động tác” mua bán với người dân, nhiều cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (Đắk Song) đã chuyển đất rừng thành đất của riêng mình.

ADQuảng cáo

NHỮNG VỤ MUA ĐẤT RỪNG VỚI GIÁ RẺ MẠT…

Thời gian qua, dư luận trên địa bàn xã Đắk Môl (Đắk Song) xôn xao về việc có nhiều cán bộ, nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (gọi tắt là Công ty Đức Hòa) “bảo kê” cho người dân phá rừng, lấn chiếm đất rồi mua lại chính diện tích đất đó với giá rất rẻ.

Đất rẫy cà phê của ông Hoàng Văn Đại có nguồn gốc từ rừng tự nhiên do Công ty Đức Hòa quản lý

Từ luồng dư luận trên, phóng viên Báo Đắk Nông đã vào cuộc tìm hiểu và nắm bắt được nhiều câu chuyện về việc mua bán đất rừng của cán bộ Công ty Đức Hòa. Câu chuyện được ông N.H.N, một cựu chiến binh sống tại xã Đắk Môl, cung cấp.

Theo ông N, năm 2010, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, trú tại xã Đắk Hòa (Đắk Song) sở hữu 4 ha đất ở khá gần với khu dân cư. Sau đó, gia đình ông Hải tiến hành trồng cà phê trên diện tích đất này. Đến năm 2012, cà phê đã phát triển rất đẹp và bắt đầu cho thu hoạch. Theo giá thị trường vào thời điểm đó, 4 ha cà phê của gia đình ông Hải có giá khoảng 1 tỷ đồng.

Thế nhưng, không hiểu vì sao mà cuối năm 2012, gia đình ông Hải đã đột ngột chuyển nhượng toàn bộ 4 ha cà phê cho ông Y Lê Na, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty Đức Hòa, chỉ với giá 500 triệu đồng. Là một cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm, nên ông N cảm nhận được phi vụ mua bán đất này có “vấn đề” và đã âm thầm tìm hiểu.

Đến đầu năm 2013, ông N đã phát hiện ra rằng, toàn bộ 4ha đất mà ông Y Lê Na mua của ông Nguyễn Văn Hải vốn là rừng tự nhiên nằm trong tiểu khu 1119, thuộc lâm phần của Công ty Đức Hòa. Dù không biết chính xác ai là người trực tiếp phá 4 ha rừng để chiếm dụng đất, nhưng ông N cũng thừa biết, việc Y Lê Na mua 4 ha cà phê với giá rẻ là hoàn toàn có “lý do”… Cái “lý do” đó lại càng được củng cố hơn, vì kể từ khi mua 4 ha rẫy cho tới nay, ông Y Lê Na vẫn “vô tư” sử dụng, canh tác mà không hề bị Công ty Đức Hòa hoặc cơ quan chức năng truy xét.

Một vụ mua bán đất rừng khác diễn ra vào năm 2013. Ông Hoàng Văn Đại, cán bộ văn phòng của Công ty Đức Hòa mua 0,5 ha đất của một người dân ở xã Đắk Môl chỉ với giá 3 triệu đồng. Diện tích đất ông Đại mua cũng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, nằm trong tiểu khu 1112, thuộc lâm phần của Công ty Đức Hòa.

Sau khi mua đất, ông Đại tiến hành trồng cà phê và một số cây trồng khác. Cũng vào năm 2013, ông Nguyễn Trường Nhật, cán bộ quản lý bảo vệ rừng Công ty Đức Hòa, mua 0,5 đất của ông Bàn Văn Chẹ, trú tại xã Đắk Môl, với giá 3 triệu đồng. Diện tích đất này cũng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 1098, do Công ty Đức Hòa quản lý. Hiện nay, ông Nhật đã trồng cà phê và một số cây trồng khác trên diện tích đất này…

ADQuảng cáo

NHỮNG  “GÓC KHUẤT” CỦA VIỆC MUA BÁN ĐẤT RỪNG…

Trên thực tế, không phải đơn thuần mà nhiều cán bộ, nhân viên của Công ty Đức Hòa lại mua được đất rừng từ người dân với giá rẻ như vậy. Ông T.V.C, trú tại xã Đắk Môl, kể lại rằng, vào năm 2004, có một người dân trên địa bàn đã phá 0,7 ha rừng của Công ty Đức Hòa, rồi chiếm dụng và bán lại cho ông với giá 20 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông C trồng mì và hoa màu trên diện tích đất đã mua.

Cuối năm 2004, có một nhân viên của Công ty Đức Hòa đến gặp và thông báo với ông C rằng, gia đình ông đã phá rừng, lấn chiếm của Công ty 0,7 ha đất. Do đó, để tránh việc bị truy cứu trách nhiệm, gia đình ông C phải tự nguyện trả lại đất cho Công ty Đức Hòa. Người này còn nhiều lần lấy danh nghĩa của Công ty Đức Hòa để đe dọa cưỡng chế thu hồi 0,7 ha đất của gia đình ông C. Thế nhưng, một thời gian sau, vị nhân viên này lại “xuống nước” và đề cập đến việc mua lại 0,7ha đất của ông C.

Điều đáng nói là vị nhân viên này chỉ đồng ý mua 0,7 ha đất với giá chỉ bằng một nửa so với giá mà ông C đã mua trước đó. Trước sức ép quá lớn như vậy, ông C buộc lòng phải bán lại 0,7 ha đất cho nhân viên Công ty Đức Hòa với giá chỉ có 10 triệu đồng.

Phóng viên Báo Đắk Nông tiếp cận với một số người đã từng bán đất rừng cho cán bộ, nhân viên Công ty Đức Hòa. Phần lớn họ đều khẳng định rằng, trong quá trình người dân phá rừng và lấn chiếm đất rừng, hầu như không hề có sự can thiệp của đơn vị chủ rừng. Thế nhưng, đến khi người dân đã “biến” rừng thành rẫy để canh tác thì lực lượng của Công ty Đức Hòa lại xuất hiện và đòi xử lý.

Đối với những khu vực rẫy có vị trí đẹp, thuận lợi để tưới tiêu thì được cán bộ Công ty Đức Hòa hỏi mua, nhưng với giá rất rẻ mạt. Mặc dù vậy, trước khi thực hiện việc mua bán, hầu hết người dân đều bị cán bộ của Công ty Đức Hòa đe nẹt, hù dọa sẽ thu hồi đất và xử lý về hành vi phá rừng, nên họ buộc phải bán đất rừng với giá rất thấp…

Theo ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Công ty Đức Hòa, bước đầu đã xác định được 12 cán bộ, nhân viên của công ty có sử dụng đất từ nguồn gốc phá rừng tự nhiên để sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích hơn 12 ha. Trong số đó, có một số người đã mua đất từ trước khi vào làm việc tại Công ty Đức Hòa.

Riêng trường hợp ông Nguyễn Minh Thùy, cán bộ văn phòng Công ty Đức Hòa, năm 2010 đã tự ý khai phá 1,2 ha đất tại tiểu khu 1107 và hiện nay ông Thùy đã trồng cà phê. “Trong thời gian tới, Công ty Đức Hòa sẽ tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp này và thu hồi những diện tích đất đã bị chiếm dụng”, ông Phạm Đình Dũng khẳng định.

Hơn 2.579 ha đất rừng bị chiếm dụng

Năm 2008, Công ty Đức Hòa được UBND tỉnh giao hơn 13.149 rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ. Trong số đó, có hơn 11.790 ha rừng tự nhiên và 98,25 ha rừng trồng. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên đã bị phá là hơn 2.641 ha. Sau khi phá rừng, người dân đã chiếm dụng hơn 2.579 ha để sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Công ty Đức Hòa cũng tự ý đem 17,2 ha đất lâm nghiệp giao khoán, liên kết với người dân để trồng cây nông nghiệp và thu phần trăm sản phẩm hàng năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa mua bán, chiếm dụng đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO