Ngành tòa án chú trọng hòa giải các vụ việc dân sự

Phan Tuấn| 21/11/2018 09:28

Những năm qua, tranh chấp trong các vụ, việc dân sự có tính chất đa dạng, phức tạp và xu hướng gia tăng. Trước thực tế này, tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chú trọng làm tốt công tác đối thoại, hòa giải vụ việc, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

ADQuảng cáo

Ngày 24/10/2018, Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil mở phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Theo hồ sơ vụ án, nguyên đơn vụ án là bà N, ở thôn Minh Đoài, xã Đức Minh (Đắk Mil). Còn bị đơn là ông Q, ở thôn Mỹ Yên, xã Đức Minh. Vào ngày 24/8/2016, bà N cho ông Q vay 200 triệu đồng, thời hạn trả nợ vào ngày 10/9/2016.

Ngày 17/9/2016, bà N tiếp tục cho ông Q vay 40 triệu đồng, thời hạn trả vào ngày 25/9/2016, lãi suất tự thỏa thuận. Ngày 8/12/2016, ông Q trả cho bà N 50 triệu đồng. Bà N tiếp tục yêu cầu ông Q phải trả số tiền gốc 190 triệu đồng còn lại và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự hòa giải không thành công nên vụ án được đưa ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm, thông qua việc xét hỏi, thẩm tra chứng cứ, Hội đồng xét xử đã xác định được những vấn đề mấu chốt của tranh chấp để tập trung tháo gỡ. Sau đó, Hội đồng xét xử đã cho tạm ngừng phiên tòa trong khoảng thời gian hợp lý để các bên đương sự tự hòa giải. Được Hội đồng xét xử tạo cơ hội “vàng”, các bên đã tham gia đối thoại một cách trách nhiệm, tình cảm, tôn trọng lẫn nhau.

ADQuảng cáo

Tiếp đó, các đương sự còn được Hội đồng xét xử phân tích, thông tin vụ án một cách đầy đủ, khách quan về các quy định của pháp luật cũng như làm cho các bên thấy rõ được lợi ích của việc hòa giải được với nhau mà không thông qua xét xử. Kết quả, ông Q thỏa thuận chấp nhận trả nợ cho bà N vào ngày 24/12/2018.

Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, qua thực tế cho thấy, có nhiều vụ án dân sự phức tạp, đương sự khiếu nại rất gay gắt, kéo dài. Sau khi được giải quyết ở cấp sơ thẩm, người dân vẫn không bằng lòng và tiếp tục khởi kiện ra tòa án cấp cao hơn. Thậm chí, khi đã chấp nhận bản án, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình “chầy ỳ” không thực hiện đầy đủ nội dung bản án yêu cầu. Có không ít vụ án cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế mới giải quyết triệt để vụ việc. Thế nên, việc hòa giải, đối thoại thành công đã đem lại nhiều kết quả to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng cho các cơ quan tố tụng và người dân.

“Tính riêng từ năm 2016 đến nay, tòa án nhân dân hai cấp đã hòa giải thành công trên 3.000 vụ án dân sự. Các vụ án chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Tranh chấp đất đai, vay mượn tiền bạc, hôn nhân gia đình... Khi hòa giải thành công các vụ án, các bên sẽ tự nguyện, vui vẻ rút đơn khởi kiện để giữ gìn uy tín, mối quan hệ xã hội. Việc hòa giải thành công vụ án cũng góp phần làm giảm kinh phí giải quyết tranh chấp cho Nhà nước và các đương sự. Cũng do xuất phát từ sự tự nguyện, nên các bên cũng đã thi hành kết quả hòa giải một cách tự giác", ông Chiến cho biết.

Theo Tòa án nhân tỉnh, tòa án nhân dân hai cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải quyết các vụ án dân sự theo phương thức hòa giải nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Cách làm này cũng góp phần giảm bớt vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành tòa án chú trọng hòa giải các vụ việc dân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO