Nêu cao tinh thần, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật

Đặng Hiền| 09/11/2018 10:21

Đã trở thành thường lệ, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm luôn được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

ADQuảng cáo

Vì vậy, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chủ đề của Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018 là: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

CSGT Công an tỉnh tuyên truyền luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân sinh sống tại Thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som (Đắk Glong). Ảnh: P.T

Với chủ đề trên, rõ ràng đòi hỏi các cơ quan công quyền, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cần phải nêu cao tinh thần, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong mọi lĩnh vực đời sống. Điều này đồng nghĩa việc Nhà nước đồng hành với người dân trong xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật; ngược lại, người dân cũng phải phát huy tinh thần tuân thủ, chấp hành pháp luật trong các hoạt động sống hàng ngày. Nói một cách khác, cả cơ quan công quyền, người thực thi pháp luật và người dân phải cùng có ý thức tuân thủ pháp luật.

Một điều phải khẳng định, luật pháp chính là những mắt xích giúp cho cỗ máy nhà nước có thể hoạt động. Người dân ở bất cứ xã hội nào cũng đều luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh và vững chắc để được bảo vệ an toàn. Để luật pháp được tuân thủ một cách nghiêm túc, không chỉ những nhà cầm quyền phải nắm pháp luật mà những người dân cũng phải hiểu biết về pháp luật. Có như vậy, pháp luật mới được thực thi một cách nghiêm minh, dễ đi vào đời sống. Người dân biết luật sẽ có nhiều cơ hội giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền hơn và nhận biết được điều gì là sai trái trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

ADQuảng cáo

Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiện nay là điều luôn hết sức cần thiết. Bởi vì, đối với người dân, pháp luật chính là lẽ phải, sự công bằng, là môi trường pháp lý bình đẳng giúp họ yên tâm để an cư lạc nghiệp. Bên cạnh việc tuyên truyền đưa pháp luật đến với mọi nhà, mọi người, các cơ quan chính quyền cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ làm luật để luật pháp trở nên thiết thực, dễ đi vào đời sống người dân. Pháp luật phải đủ mạnh để người dân tin rằng, quyền và lợi ích của họ sẽ luôn được bảo đảm. Khi đó người dân sẽ tuyệt đối tuân theo pháp luật.

Với vai trò của mình, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cũng như tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nhiệm vụ chính trị, các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, cải cách hành chính, tư pháp và các quy định liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, các cơ quan công quyền còn cần phải siết chặt kỷ cương công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp cũng phải luôn được tăng cường, gắn với thực hiện nghiêm túc pháp luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Có thể nói, với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất cùng với ý thức, tinh thần tuân thủ, chấp hành pháp luật sẽ là một động cơ mạnh mẽ giúp bộ máy nhà nước, chính quyền vận hành thông suốt, đưa đất nước, địa phương phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao tinh thần, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO