Gần 28ha rừng của Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam bị tàn phá

Ngàn Sâu| 23/05/2018 16:02

Trong một thời gian ngắn, đã có gần 28ha rừng tại tiểu khu 1529, thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (TP. Hồ Chí Minh) bị tàn phá. Hiện trường vụ việc liền kề ngay chốt quản lý bảo vệ của chủ rừng.

ADQuảng cáo

Rừng thành nương rẫy

Nhận được thông tin rừng của Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (Công ty Khang Nam), nằm trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) đang bị tàn phá, phóng viên Báo Đắk Nông đã vào hiện trường để tìm hiểu sự việc. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những cánh rừng xơ xác, hoang tàn và hầu như không còn nhận ra đâu là rừng. 

Một cây gỗ lớn tại khoảnh 6, tiểu khu 1529 đã bị chặt hạ

Tại một cánh rừng nằm dọc một con suối nhỏ, có vô vàn những cây gỗ lớn nhỏ đã bị đốn hạ, chỉ còn phần gốc nằm trơ trọi. Trong số những cây rừng bị chặt hạ, có những cây được khai thác để lấy gỗ, nhưng đa phần đều bị cắt ngắn và đốt cháy. Còn ở cánh rừng khác nằm phía đối diện, hầu như không có bất kỳ một cây rừng nào còn sống sót. Tại đây, từ cây to cho tới cây nhỏ đều đã bị chặt hạ, đốt cháy. Số lượng cây rừng bị chặt hạ nhiều không thể nào thống kê hết được. Nhiều cây rừng đã bị cưa hạ từ khá lâu, nhưng cũng có rất nhiều cây vừa mới bị cưa hạ, lá vừa héo, mủ ở gốc vẫn còn chảy...

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Tuy Đức, đã có gần 28ha rừng bị cạo trọc hoàn toàn

Từ các dấu vết để lại, chúng tôi nhận thấy, có một số lán trại đã từng được dựng lên tại tiểu khu 1529. Điều này chứng tỏ rằng, việc phá rừng ở đây đã diễn ra dài ngày, có sự tham gia của nhiều người. Nhiều diện tích dù mới bị chặt phá, nhưng đã được người ta trồng mì.

Hiện trạng rừng tại tiểu khu 1529 hầu như chỉ còn lại gốc cây

Cũng có mặt tại hiện trường, anh Bùi Văn Lào, nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty Khang Nam cho biết, diện tích rừng bị tàn phá đã lên tới gần 28ha, nằm tại khoảnh 6, tiểu khu 1529. Tiểu khu này trước đây vốn là rừng tự nhiên và thuộc diện tích của Công ty Khang Nam phải khoanh nuôi, bảo vệ. Cách đây khoảng 3 năm, Công ty Khang Nam đã đặt một chốt bảo vệ rừng tại đây và hàng ngày có 3 nhân viên quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Bắt đầu từ tháng 3/2018 đến nay, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã vào chặt phá rừng để lấn chiếm đất làm nơi sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng bị chặt phá đều đã bị người dân biến thành nương rẫy và trồng mì.

Từ cây lớn cho tới cây nhỏ hầu như đều bị chặt hạ

Điệp khúc "lực lượng mỏng"

ADQuảng cáo

Diện tích rừng bị phá chỉ cách chốt quản lý bảo vệ rừng của Công ty Khang Nam khoảng vài chục bước chân. Còn đi xa hơn, cách khoảng 500m là nhà điều hành của Công ty Khang Nam được xây dựng tương đối bề thế và khá đầy đủ tiện nghi. Khi chúng tôi có mặt, tại chốt bảo vệ rừng cũng như nhà điều hành, có rất nhiều gia súc gia cầm được nuôi. Điều này chứng tỏ rằng, những nơi này đều có người sinh sống, sinh hoạt. Vậy mà, rừng vẫn bị tàn phá và lại ở rất gần những địa điểm này (?).

Phần lớn những cây bị chặt hạ đều được cưa xẻ hoặc đốt cháy

Anh Bùi Văn Lào cho biết, lực lượng bảo vệ rừng tại chốt chỉ có 3 người. Trong khi số lượng người tham gia phá rừng luôn rất nhiều. Do đó, lực lượng bảo vệ rừng đã không thể ngăn chặn, xử lý được. "Mỗi lần người ta đến phá rừng thì chúng tôi chỉ biết báo cáo cho Công ty và cơ quan chức năng chứ không thể làm gì được. Họ thường đi rất đông, có mang theo hung khí và đe dọa chúng tôi, nên không ai dám ngăn cản họ cả", anh Lào cho biết.

Cũng theo anh Lào, những người vào phá rừng đều thuộc diện dân di cư tự do đến từ các tỉnh phía Bắc và hiện đang sinh sống tại bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo.

Có rất ít cây rừng còn sống sót tại tiểu khu 1529

Khi được hỏi về các biên bản hoặc báo cáo về tình trạng rừng bị phá, anh Lào cho biết là không có. Anh Lào cũng cho biết thêm, lãnh đạo Công ty Khang Nam hầu như chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh chứ không hề lên chỉ đạo, điều hành việc quản lý, bảo vệ rừng. 

Năm 2011, Công ty Khang Nam được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 336,439 ha rừng và đất lâm nghiệp (rừng tự nhiên: 324,645 ha) để thực hiện dự án bảo vệ rừng, đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Theo kết quả rà soát vào cuối năm 2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích rừng của Công ty Khang Nam chỉ còn khoảng 40 ha.

Báo Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Dấu vết lán trại còn sót lại trong khu vực rừng bị phá

Nhiều diện tích rừng bị phá đã trở thành rẫy mì

Chốt bảo vệ rừng nằm gần hiện trường rừng bị phá

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 28ha rừng của Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam bị tàn phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO