Đưa pháp luật đến với nhân dân

Ngàn Sâu| 09/11/2017 10:13

Hiện nay người dân còn thụ động trong tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật, nên ý thức pháp luật về cơ bản vẫn còn thấp. Do đó, giải pháp hiệu quả để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân là "đưa pháp luật đến với nhân dân".

ADQuảng cáo

Lực lượng chức năng bắt quả tang, xử lý một trường hợp buôn bán phân hóa học không rõ nguồn gốc tại phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Thực trạng...

Theo phân tích của luật gia Trần Minh Khải, trú tại phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), khi đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao thì trình độ nhận thức nói chung và nhận thức về pháp luật nói riêng cũng được nâng cao. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, kiểm soát pháp luật trên địa bàn tỉnh đã cho thấy, nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật và ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật cũng có những tiến bộ rõ rệt.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế. Hiện nay, tình trạng người dân tham gia pháp luật mà không biết những quy định của pháp luật vẫn còn rất phổ biến trong cuộc sống. Chẳng hạn, trên địa bàn tỉnh, số người tham gia giao thông đường bộ là rất nhiều. Thế nhưng, có rất nhiều người trong số đó không biết hoặc chỉ biết rất ít về luật Giao thông đường bộ.

Để kiểm chứng về quan điểm của luật gia Khải, mới đây phóng viên Báo Đắk Nông đã về xã Đắk Nia, một địa bàn thuộc thị xã Gia Nghĩa, để phỏng vấn người dân về kiến thức luật Giao thông đường bộ. Có 20 người được chọn ngẫu nhiên để trả lời 3 câu hỏi, gồm: Quy định bao nhiêu tuổi thì được phép điều khiển xe máy? Khi tham gia giao thông bằng xe máy phải cần những giấy tờ gì ? Tốc độ tối đa của xe máy chạy trên quốc lộ là bao nhiêu km/h. Kết quả, có 17 người trả lời đúng câu hỏi thứ nhất. Đối với 2 câu hỏi còn lại, tất cả 20 người đều trả lời sai hoặc không trả lời được.

Tại báo cáo đánh giá của Công an tỉnh về tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiều loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng. Hành vi vi phạm pháp luật trong hình sự, dân sự, hành chính rất phức tạp, như: Giết người, cướp tài sản, gây thương tích, hiếp dâm, trộm cắp tài sản, tranh chấp đất đai, buôn lậu, trốn thuế, phá rừng… Đặc biệt, hành vi vi phạm pháp luật về giao thông diễn ra rất phổ biến. Đối với tội phạm hình sự, đã xảy ra nhiều vụ phạm tội mà hậu quả rất thương tâm.

ADQuảng cáo

Về nguyên nhân, Công an tỉnh đánh giá khái quát là do còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Trên địa bàn tỉnh đang có một bộ phận thanh thiếu niên trình độ văn hóa nói chung, trình độ nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật còn thấp. Do đó, số vụ vi phạm pháp luật ở tuổi thành niên, vị thành niên trong thời gian qua phức tạp. Tại một số địa bàn, hiện tượng thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, ăn chơi dẫn đến phạm pháp với các hành vi như nghiện ma túy, cướp của, trộm cắp tài sản… diễn ra khá nhiều.

Nguyên nhân và giải pháp

Theo Sở Tư pháp, những hạn chế về ý thức pháp luật của nhân dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào thiểu số. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân cũng chưa toàn diện, chưa sâu rộng và hiệu quả chưa cao. Trong thời gian qua, có nhiều luật mới được ban hành hoặc sửa đổi mà người dân chưa kịp cập nhật hoặc chưa nắm bắt được.

Một nguyên nhân khác được luật gia Trần Minh Khải chỉ ra là do ý thức của người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật hiện nay còn rất thấp. Theo luật gia Khải, mỗi khi người dân không chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt về pháp luật thì rất khó để tiếp cận được với pháp luật. "Mọi người đều có thể mường tượng về các quy định của pháp luật, nhưng nếu không tìm hiểu, nghiên cứu thì không thể biết được một cách cụ thể. Người dân thường có thói quen là khi gặp sự cố cần đến pháp luật thì mới nghiên cứu, tìm tòi. Điều này đã khiến cho nhận thức pháp luật trong nhân dân trở nên rất hạn chế", luật gia Khải cho biết.

Để nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, theo luật gia Khải, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết là phải nâng cao hiểu biết pháp luật trong nhân dân thông qua các biện pháp như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Biện pháp căn cơ nhất vẫn là cần nâng cao trình độ nhận thức, học thức của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giải pháp tiếp theo là đổi mới cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việc giáo dục pháp luật cần phải có phương pháp làm sao giúp cho nhân dân quan tâm hơn để có thái độ đúng đắn, động cơ tích cực trong thực hiện pháp luật và đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật. Muốn vậy, phải thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới mọi hình thức, biện pháp tích cực, đưa pháp luật vào mọi lĩnh vực của đời sống. Đồng thời phải kết hợp giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục đạo đức xã hội.

Ngoài ra, luật gia Khải cho rằng, cần nghiêm khắc trong xử lý vi phạm pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đều phải được xem xét kỹ lưỡng và xử lý nghiêm minh. Nếu chủ quan, sơ hở trong xử lý sẽ dễ tạo kẽ hở cho một số thành phần lợi dụng để vi phạm pháp luật, đồng thời cũng không tạo được tính răn đe, giáo dục trong xã hội. "Nhân dân còn rất thụ động với pháp luật. Do đó, chúng ta cần phải đưa pháp luật đến với nhân dân thì mới nâng cao được ý thức pháp luật trong nhân dân".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa pháp luật đến với nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO