Đưa pháp luật đến gần với người dân

Đặng Hiền| 17/04/2018 10:14

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, người dân đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

ADQuảng cáo

Phiên tòa giả, kiến thức thật

Cuối tháng 3 vừa qua, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (thị trấn Đắk Mil) đã diễn ra một phiên tòa xét xử khá đặc biệt. Đó là phiên tòa giả định được đoàn viên, thanh niên các cơ quan tư pháp huyện và trường phối hợp thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống bạo lực học đường.

Phiên tòa diễn ra, không chỉ có những câu chuyện pháp luật, bản án được tuyên mà còn có những tiếng cười vui vẻ, những khẩu hiệu tuyên truyền về pháp luật được truyền tải đến những người tham dự.

Phiên tòa giả định, một hình thức tuyên truyền PBGDPL thực tế, hiệu quả được tổ chức tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) (ảnh: Viện Kiểm sát huyện Đắk Mil cung cấp)

Tình huống giả định là Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil xét xử công khai vụ án liên quan đến tội “cố ý gây thương tích” của một học sinh vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm mà đã chọn cách giải quyết bằng con đường bạo lực. Nội dung vụ án được xây dựng dựa trên một tình huống có thật trong cuộc sống, báo động về tình hình bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng và những hậu quả xấu có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp của các em cũng như đến trật tự xã hội.

Dù chỉ là giả định, nhưng các thủ tục để tiến hành một phiên tòa được thực hiện đúng quy định. Tất cả thành phần trong một phiên tòa như: Thẩm phán, bồi thẩm, kiểm sát viên, thư ký, luật sư, bị cáo, nhân chứng...được các bạn trẻ tham gia nhập vai như thật. Bên cạnh đó, đội tuyên truyền còn dàn dựng thêm những tình huống hài hước, dí dỏm bằng hình thức kịch ngắn nhằm đưa ra những đề tài tranh luận trong việc chấp hành pháp luật và mời khán giả cùng tham gia xử lý tình huống trên sân khấu.

Phiên tòa giả định đã mang lại một cái nhìn toàn cảnh mà qua đó, các em học sinh thấy được việc mang và sử dụng các hung khí nguy hiểm như dao, mã tấu... để giải quyết mâu thuẫn nhỏ nhặt đã để lại những hậu quả khôn lường về tính mạng, sức khỏe của bản thân và người khác. Từ đây, các bạn học sinh có nhận thức sâu sắc về các quy định của pháp luật, cùng chung tay với gia đình, nhà trường, có biện pháp ngăn chặn kịp thời để những hành vi bạo lực, nguy hiểm như tình huống tại phiên tòa giả định không xảy ra trong học đường.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

ADQuảng cáo

Phiên tòa giả định để tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh là một trong những hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức thường xuyên trên địa bàn huyện Đắk Mil trong thời gian qua. Việc đa dạng hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng nhóm đối tượng đã tạo sân chơi, sự hứng thú tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Theo đó, hầu hết các văn bản luật, pháp lệnh, chính sách mới được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền miệng tại các hội nghị, các cuộc họp thôn, bon, bản, tổ dân phố, các cuộc tiếp xúc cử tri; biên soạn phát hành tài liệu, tờ gấp thông tin pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tủ sách pháp luật; hoạt động hòa giải cơ sở; hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật…

Chỉ tính riêng năm 2017, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp tổ chức 14 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn 10 xã, thị trấn, với nội dung tuyên truyền các văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự, luật Tiếp cận thông tin, luật Khiếu nại, luật Tố cáo, luật Đất đai, luật Giao thông đường bộ, pháp luật về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, với 1.690 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, huyện cũng cấp phát hơn 1.500 tài liệu, tờ gấp thông tin về pháp luật, bản tin tư pháp... đến đông đảo người dân. Huyện còn phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý cho nhân dân trên địa bàn 3 xã Đắk Gằn, Đắk Sắk, Long Sơn.

Học sinh Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil) quan tâm tìm hiểu luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Phạm Khánh

Nhiều hội thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi, lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện như Hội thi Nét đẹp phụ nữ, Nông dân tìm hiểu pháp luật, Cán bộ thư viện giỏi...

Cấp ủy, chính quyền huyện, xã luôn quan tâm đến công tác hòa giải, vận động thuyết phục, kết hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật tại các thôn, bon, tổ dân phố. Trên địa bàn huyện hiện có 140 tổ hòa giải/140 thôn, bon, tổ dân phố, với 688 hòa giải viên.

Trong năm 2017, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiến hành hòa giải thành công 88/103 vụ việc, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư ngay từ cơ sở, giữ gìn mối đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với việc đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị đã góp phần đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa pháp luật đến gần với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO