Dự án chợ Quảng Sơn: Đất công đang có nguy cơ trở thành đất tư

Hà An| 20/10/2014 10:44

Để tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán, năm 2009, sau khi khu chợ lồng của xã được đầu tư xây dựng, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã có chủ trương cho 48 hộ tiểu thương mượn tạm đất khu vực xung quanh chợ lồng để dựng ki ốt buôn bán. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều hộ tiểu thương đã và đang lợi dụng chủ trương này để lấy đất công mua bán, sang nhượng. Nếu xã không có giải pháp quyết liệt thì nguy cơ đất công nơi đây trở thành đất tư của một số hộ dân là điều rất dễ xảy ra.

ADQuảng cáo

Nhiều tiểu thương phá vỡ cam kết

Theo quy hoạch, chợ Quảng Sơn được thiết kế gồm một khu chợ lồng và hệ thống các ki ốt xung quanh trên diện tích đất hơn 3.000 m2. Năm 2009, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã được đầu tư khu chợ lồng kiên cố, còn hệ thống ki ốt chưa có vốn đầu tư và được chuyển sang kế hoạch đầu tư giai đoạn 2.

Không chỉ tạm bợ, nhếch nhác, nhiều hộ dân khu vực chợ Quảng Sơn đang lấy đất công bán, sang nhượng trái phép

Để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, mua bán, sau khi được sự đồng ý của UBND huyện, xã đã giao cho Ban Quản lý chợ xác lập hợp đồng cam kết với 48 hộ tiểu thương cho họ mượn đất để tự dựng ki ốt buôn bán xung quanh chợ lồng.

Trong cam kết hai bên có nêu rõ, các hộ dân mượn đất chỉ được dựng tạm ki ốt, không được mua bán, sang nhượng bằng bất cứ hình thức nào. Các hộ phải cam kết tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất, hoàn trả lô đất mượn khi UBND xã yêu cầu.

Tuy nhiên, cam kết là vậy nhưng thời gian qua, nhiều hộ tiểu thương mượn đất đã phá vỡ quy tắc trên bằng việc “âm thầm” sang nhượng, mua bán đất, ki ốt để lấy tiền. Điều đáng nói là trong số những người mua đất, sang nhượng ki ốt, nhiều người không biết đây là đất công, sẽ bị Nhà nước lấy lại bất cứ lúc nào nên đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua đất, sang nhượng ki ốt.

Đơn cử vào năm 2010, gia đình ông Nông Văn Đoàn nhận chuyển nhượng ki ốt số 46, chợ Quảng Sơn từ bà Ngân Thị Liên (người đứng tên mượn đất) với số tiền 125 triệu đồng. Việc sang nhượng chỉ có giấy viết tay giữa 2 bên. Gần 4 năm sinh sống và buôn bán trong ki ốt chưa đầy 40 m2 với giá trên trăm triệu đồng này, ông Đoàn không hề biết rằng mình đang ở trên mảnh đất mượn và sẽ bị lấy lúc nào không hay.

ADQuảng cáo

Không riêng gì trường hợp trên, chỉ với những giấy sang nhượng viết tay đơn giản, hàng loạt giao dịch trị giá từ 30 triệu đến 50 triệu, thậm chí 125 triệu đồng đã được thực hiện với lời cam kết được sử dụng đất vĩnh viễn, không có tranh chấp.

Thống kê chưa đầy đủ của  Ban Quản lý chợ Quảng Sơn thì đến thời điểm hiện tại, khu vực này đã có khoảng 10 hộ tiến hành sang nhượng ki ốt và 15 hộ không trực tiếp kinh doanh mà chuyển quyền cho thuê qua nhiều người khác nhau.

Như vậy, từ một chủ trương của xã, hiện nay nhiều đối tượng lại đang lợi dụng để kiếm tiền bằng việc phá vỡ cam kết và có nhiều dấu hiệu lừa đảo để lấy đất công bán chác, sang nhượng.

Ì ạch chủ trương xây chợ

Thực tế, tháng 4/2012, UBND huyện Đắk Glong đã có công văn yêu cầu xã Quảng Sơn tiến hành giải tỏa các ki ốt tạm cho các hộ tiểu thương mượn để đầu tư xây dựng chợ giai đoạn 2. Tuy nhiên, vì chưa có nguồn vốn nên xã còn lấn cấn, sợ giải tỏa xong để đất trống không quản lý được. Từ đó đến nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống ki ốt chợ từ nguồn ngân sách vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi, chợ Quảng Sơn được xem là trung tâm mua bán của xã và khu vực lân cận, nhu cầu buôn bán ngày càng cao. Tình trạng để hàng loạt ki ốt tạm bợ tồn tại nhiều năm không chỉ tạo nên cảnh nhếch nhác mà còn không đảm bảo an toàn về vệ sinh, phòng, chống cháy nổ. Mặt khác, với thực trạng mua bán, sang nhượng đất công như đã nêu nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm thì sẽ phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn.

Theo ông Ngô Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thì hiện, địa phương đã kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa triển khai Dự án đầu tư xây dựng ki ốt chợ nhưng do vướng mắc về thủ tục nên huyện Đắk Glong chưa chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện.

Rõ ràng, việc sang nhượng trái phép đất và các ki ốt tại chợ Quảng Sơn thời gian là khá phức tạp, còn chủ trương xây chợ lại đang nằm trên giấy, không biết bao giờ mới được thực hiện. Nếu thực trạng trên không được chấn chỉnh thì không chỉ đất công có nguy cơ biến thành của tư mà còn phát sinh nhiều vướng mắc khi có nhu cầu giải tỏa, lấy lại mặt bằng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án chợ Quảng Sơn: Đất công đang có nguy cơ trở thành đất tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO