Doanh nghiệp nên "dũng cảm" từ chối các cuộc thanh tra, kiểm tra không đúng quy định

Nguyễn Lương| 15/11/2018 09:58

Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Để hạn chế tình trạng chồng chéo, nhiều lần trong thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài chấp hành nghiêm việc xây dựng kế hoạch hằng năm để tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp mỗi năm không quá một lần.

Đã có chuyển biến

Để cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ cũng như mục tiêu đề ra trong trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngày 11/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3693/QĐ-UBND quy định rõ nhiều nội dung nhằm chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã giao Chánh Thanh tra tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã. Qua theo dõi, Thanh tra tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Thanh tra tỉnh báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định. Đặc biệt, mới đây giữa Thanh tra tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Đây được xem là động thái tích cực, với thông điệp tôn trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, hạn chế và xử lý nghiêm những cuộc thanh tra, kiểm tra không đúng quy định.

Thanh tra tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký cam kết chương trình phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Theo Thanh tra tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2017 và năm 2018, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đã thực hiện khá nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chồng chéo về đối tượng và nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra. Hầu hết, kế hoạch thanh tra đã được cắt giảm do có sự trùng lặp về nội dung, đối tượng thanh tra. Từ đây, các doanh nghiệp đã giảm nhiều thời gian, chi phí do phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra như trước đây để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng trong năm 2018, toàn ngành Thanh tra thực hiện 102/109 cuộc thanh tra tại 384 đơn vị, dự kiến cắt giảm 7 cuộc thanh tra do trùng lặp nội dung và đối tượng. Về kiểm tra, toàn ngành thực hiện 150/174 cuộc tại 832 đơn vị, dự kiến cắt giảm 24 cuộc kiểm tra.

ADQuảng cáo

Nhưng cần đi vào thực chất hơn

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh, mặc dù việc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến nhưng thực tế vẫn chưa nhiều. Qua tổng hợp, trong năm 2018 vẫn còn có sự trùng lặp về đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra tại 27 doanh nghiệp của thanh tra một số sở, ngành và cơ quan chuyên môn. Một số đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra có sự trùng lặp như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công thương… Việc để xảy ra trùng lắp về đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức, doanh nghiệp trách nhiệm thuộc về các sở, ngành liên quan. Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì mặc dù không có kế hoạch kiểm tra, thanh tra song thỉnh thoảng, cơ quan chức năng vẫn kiểm tra doanh nghiệp trên danh nghĩa "ghé thăm".

Có thể nói, việc mỗi năm phải vài lần đón các đoàn thanh tra, kiểm tra đã khiến cho doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Vì thế, để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động thì hoạt động thanh tra, kiểm tra phải ngày càng thực chất hơn.

Ông Ngô Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đaknoruco (Đắk Mil) chia sẻ: Việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết, nhưng cần phải phối hợp thế nào để tránh chồng chéo, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và không làm “méo mó” quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý. Mặc dù hiện nay, tình trạng chồng chéo, trùng lắp nội dung trong kiểm tra, thanh tra đã giảm song doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thanh tra chuyên ngành thực hiện hiệu quả công tác này theo mục tiêu, tinh thần đã đề ra.

Để cải cách thực chất hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị quy định về lĩnh vực này như: Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Trong đó, các chỉ thị nhấn mạnh: Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp. Các địa phương, đơn vị phải đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp có kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp. Việc chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra phải theo đúng định hướng, kế hoạch đã phê duyệt. Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý được giao. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng…

Trao đổi về giải pháp để nâng cao hoạt động thanh tra, kiểm tra, ông Lê Sỹ Tuân, Chánh Thanh tra tỉnh nhấn mạnh: Mục tiêu chính của thanh tra, kiểm tra của các cơ quan công quyền là phát hiện, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện những chủ trương, chính sách của tỉnh nhanh nhất, kịp thời và minh bạch nhất. Về phía doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng nên "dũng cảm" từ chối những đợt kiểm tra, thanh tra không đúng luật, không nằm trong kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bởi trên thực tế, khi doanh nghiệp mạnh dạn nêu tên các đoàn kiểm tra không đúng quy trình, kế hoạch sẽ giúp tỉnh kịp thời can thiệp, xử lý. "Để làm được điều này, ngoài sự mạnh dạn của doanh nghiệp, về phía Thanh tra tỉnh cũng đã thiết lập đường dây nóng để doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, cũng như phản ánh về tình trạng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở những phản ánh của doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết can thiệp, xử lý những đơn vị cố tình sai phạm”, ông Tuân cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nên "dũng cảm" từ chối các cuộc thanh tra, kiểm tra không đúng quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO