Để hoạt động trợ giúp pháp lý đến được với người dân: Cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể

Nguyễn Hiền| 18/01/2017 08:33

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

ADQuảng cáo

Đoàn công tác của Ủy ban pháp luật Quốc hội làm việc với UBND tỉnh ngày 11/1/2017 về công tác TGPL

Còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo của UBND tỉnh thì hoạt động TGPL thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc tiếp cận công lý và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động TGPL vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đó, nhiều đối tượng được hưởng chính sách pháp lý miễn phí của Nhà nước nhưng chưa biết đến hoạt động này, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh đã thực hiện được 436 vụ, việc TGPL cho 436 lượt người.

Tuy nhiên, số vụ, việc được trợ giúp chủ yếu là tư vấn với 387 vụ, việc, chiếm trên 88%. Số vụ, việc tham gia tố tụng chiếm tỷ lệ ít, chỉ với 47 vụ, chiếm 10,7%. Điều đáng nói là hầu hết các vụ tố tụng hình sự này phần lớn là do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Số vụ, việc do người dân tự tìm đến và yêu cầu Trung tâm TGPL hoặc chi nhánh thực hiện là rất ít.

Đội ngũ cán bộ TGPL chỉ có 5 người, trong khi nhu cầu TGPL lại rất cao. Cùng với đó, hầu hết người TGPL còn trẻ, nên thiếu kinh nghiệm tham gia tố tụng. Theo quy định, Trung tâm TGPL có thể thành lập đội ngũ cộng tác viên TGPL là cán bộ, công chức ở các sở, ngành để bổ sung thêm lực lượng.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh hầu như không có cộng tác viên nào. Mặt khác, tỉnh hiện vẫn chưa có trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia TGPL. Luật sư là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong TGPL, nhưng hiện nay vẫn chưa có một chế tài cụ thể đối với luật sư không tham gia TGPL theo quy định.

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Sở Tư pháp, nguồn kinh phí hàng năm địa phương cấp cho hoạt động TGPL vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí có chiều hướng ngày càng giảm dần. Hiện toàn tỉnh có 4/7 tổ chức hành nghề luật sư có đăng ký TGPL miễn phí tại Sở Tư pháp, nhưng lại không đăng ký làm cộng tác viên của Trung tâm TGPL.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Ủy ban pháp luật Quốc hội ngày 11/1, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng TGPL trên địa bàn tỉnh. Theo bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội thì với đặc thù Đắk Nông là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, địa bàn lại rộng nên dẫn đến nhiều người dân chưa biết đến quyền được TGPL là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, việc không có các chi nhánh TGPL lại càng làm cho khoảng cách người dân được tiếp cận với TGPL càng xa hơn, khó khăn hơn. Vì vậy, địa phương cũng cần có sự quan tâm, đề ra những giải pháp cụ thể để củng cố, bổ sung cả về nhân lực, nguồn lực và chính sách.

Về nguồn nhân lực, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, trong điều kiện tinh giảm biên chế hiện nay thì việc bổ sung biên chế là rất khó. Vì vậy, tỉnh cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên, giao thêm nhiệm vụ TGPL cho các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan. Theo đó, các đơn vị này cần phát huy tinh thần tự nguyện, trách nhiệm của những người học luật và nghiên cứu về luật tham gia tư vấn. Việc mở rộng mạng lưới cộng tác viên cũng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh phí.

Theo ông Lê Quốc Đông, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh thì Quốc hội cũng cần có chính sách hỗ trợ tập trung đối với những tỉnh khó khăn, nhưng có nhu cầu TGPL cao như tỉnh Đắk Nông. Việc thành lập hội đặc thù về TGPL, thu hút những người học cử nhân luật trở lên tham gia vừa tạo “sân chơi” cho hội viên vừa tạo thêm “kênh” TGPL cho người dân. Cùng với đó, Sở Tư pháp, UBND tỉnh nên xây dựng một nghị quyết về hỗ trợ TGPL trong các giai đoạn, qua đó sẽ nêu rõ được lộ trình, cách thức, phương thức tổ chức, trách nhiệm cụ thể, bố trí nguồn kinh phí để triển khai công tác TGPL một cách đồng bộ, hiệu quả hơn.

Đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến pháp luật như đăng tải trên các cổng thông tin điện tử, nêu rõ các nội dung về quy chế, lịch và kết quả tiếp công dân. Tất cả cán bộ, công chức thuộc các ngành liên quan trong quá trình thực thi công vụ cũng sẽ trở thành người TGPL. UBND tỉnh sẽ giao Sở Tư pháp xây dựng đề án về TGPL, từ đó đánh giá sự cấp bách và cần thiết để trình HĐND tỉnh thông qua để tăng cường công tác TGPL. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường số lượng trợ giúp pháp lý viên là người dân tộc thiểu số để hỗ trợ công tác TGPL tốt hơn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thì để nâng cao hiệu quả của TGPL, tỉnh cần thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật tại các tổ chức xã hội. Đối với Sở Tư pháp cần chủ động và quyết liệt hơn trong công tác tham mưu cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút các lực lượng tham gia hỗ trợ TGPL. Trung tâm TGPL tỉnh cần nâng cao vai trò chủ đạo, chủ động, thu hút các cá nhân, lực lượng tham gia nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hoạt động trợ giúp pháp lý đến được với người dân: Cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO